Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phát hiện hóa thạch 9 triệu năm tuổi của tổ tiên loài cá mập trắng lớn tại Peru

PERU - Ngày 20/01, các nhà cổ sinh vật học tại Peru đã công bố hóa thạch 9 triệu năm tuổi của một loài cá mập, được cho là tổ tiên của cá mập trắng lớn, từng sinh sống tại vùng biển phía nam Thái Bình Dương.

Hóa thạch gần như hoàn chỉnh của loài Cosmopolitodus hastalis được tìm thấy tại lưu vực Pisco, cách thủ đô Lima khoảng 235 km về phía nam. Đây là khu vực sa mạc nóng nổi tiếng với những phát hiện thường xuyên về các loài sinh vật biển cổ đại.

Loài cá mập này hiện đã tuyệt chủng, nhưng răng của chúng từng đạt chiều dài lên tới 8,9 cm, trong khi cá thể trưởng thành có thể phát triển đến gần 7 mét, tương đương kích thước của một chiếc thuyền nhỏ.

hoa thach ca map (1)

Một phần hóa thạch 9 triệu năm tuổi của tổ tiên cá mập trắng lớn. - Ảnh: Reuters.

Ông Cesar Augusto Chacaltana, kỹ sư tại Viện Địa chất và Khai khoáng Peru (INGEMMET) cho biết, phần hóa thạch còn lại của cá mập cho thấy "mức độ hóa thạch đặc biệt".

Các nhà nghiên cứu đã trưng bày hóa thạch của cá mập cổ đại trong nhiều bình thủy tinh, bao gồm một bình chứa hàm răng sắc nhọn khổng lồ của loài này.

Nhà cổ sinh vật học Mario Urbina cho biết, trên thế giới, số lượng hóa thạch cá mập hoàn chỉnh là rất ít. Đồng thời, ông chia sẻ rằng, nhiều xương cá mòi cũng được tìm thấy trong dạ dày của con cá mập này.

Ông Urbina giải thích rằng, do cá cơm chưa tồn tại vào thời kỳ loài cá mập này thống trị đại dương, nên cá mòi là nguồn thức ăn chính của những loài săn mồi biển thời bấy giờ.

Trước đó, vào tháng 11/2024, các nhà cổ sinh vật học Peru đã công bố hóa thạch của một con cá sấu con từng sống cách đây hơn 10 triệu năm tại vùng Pisco và khu vực nông nghiệp Ica ở miền trung Peru.

Vào tháng 04/2024, các nhà nghiên cứu đã giới thiệu hộp sọ hóa thạch của loài cá heo nước ngọt lớn nhất được biết đến, từng cư ngụ tại Amazon khoảng 16 triệu năm trước.

Bình luận