Loạt dấu chân hóa thạch các sinh vật thuộc thế giới cách đây 166 triệu năm lộ ra ở mỏ đá

VOH - Tại một mỏ đá ở Anh, các nhà khảo cổ khai phá được một loạt các dấu chân hóa thạch nhiều loài sinh vật thuộc kỷ Jura, các dấu vết này như đại diện cho cả một thế giới cổ đại.

Đài CNN mô tả phát hiện ở mỏ đá tại Oxfordshire là "gây sốc", trong khi đài BBC cho biết đó là khám phá cổ sinh vật học lớn nhất ở Anh.

Phát hiện này gồm hơn 200 dấu chân quái thú hóa thạch, có niên đại khoảng 166 triệu năm, tức thuộc kỷ Jura. Các dấu chân này chia thành 5 bộ nhóm sinh vật khác nhau, trải thành 5 chuỗi dài tới 150 m.

Dù dấu chân không có vẻ gì hấp dẫn như các hóa thạch bộ xương nhưng các nhà khoa học lại xem đây là dạng hóa thạch cực kỳ quý giá, có khi cung cấp nhiều dữ liệu hơn chính xương của con vật.

recorddinosaurtracksuk642-17359516691061561238638-5-3
Các nhà nghiên cứu đang khai quật "thế giới đã mất" kỷ Jura tại mỏ đá ở hạt Oxfordshire - Anh - Ảnh: Đại học Birmingham

Theo nhóm khảo cổ từ Đại học Oxford và Đại học Birmingham (Anh), “kho báu” hóa thạch này được phát hiện một cách vô tình, khi một công nhân điều khiển máy đào cơ khí nhận thấy có "vết lồi bất thường" lộ ra dưới lớp đất sét.

Qua phân tích ban đầu, các nhà khoa học nhận định các dấu chân là của 5 con vật khác nhau đang trên đường băng qua khu vực mỏ đá.

Các nhà khảo cổ của Đại học Birmingham phân tích trong số các dấu chân có đặc điểm của một loài khủng long ăn thịt dài 9 m, được biết đến với bàn chân 3 ngón đặc biệt có móng vuốt.

4 dấu chân còn lại có vẻ là 4 con vật khác nhau thuộc loài khủng long Cetiosaurus, một loài khủng long chân thằn lằn Sauropod sống khoảng 161-165 triệu năm trước, mang thân hình đồ sộ đáng sợ  nhưng chỉ ăn cỏ.

Khám phá to lớn này đi sau một khám phá ấn tượng khác vào năm 1997, khi 40 dấu chân được phát hiện trong quá trình khai thác đá vôi, các dấu chân này cũng xếp thành chuỗi dài tới 180 m.

Các nhà nghiên cứu đã chụp 20.000 bức ảnh về những dấu chân mới nhất và tạo ra các mô hình 3D chi tiết về địa điểm này bằng cách sử dụng máy bay không người lái.

Với các hóa thạch dấu chân, các nhà khoa học có thể lần ra được thông tin về chi tiết bên ngoài của bàn chân cho đến cách các sinh vật cổ đại bước đi, cách chúng tương tác với các loài khác và môi trường xung quanh.

Nhà cổ sinh vật học Richard Butler từ Đại học Birmingham nhận định có thể đã có một cơn bão kéo đến, làm lắng đọng một lượng lớn trầm tích lên trên các dấu chân, khiến chúng được bảo tồn tốt không bị cuốn trôi.

Nhóm khảo cổ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu hiện trường.

Bình luận