Trước đó vào ngày 30/9, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraine (gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia - khoảng 18% diện tích lãnh thổ Ukraine) sau các cuộc “trưng cầu dân ý”, người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã thông báo Ukraine chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO một cách nhanh chóng.
Theo nguyên tắc, việc kết nạp một thành viên mới của NATO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - cần nhận được sự đồng ý của tất cả 30 thành viên NATO hiện tại, và điều này được cho là tương đối khó khăn trong thời điểm này.
Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga dẫn lời Alexander Venediktov - phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga nhận định: “Kiev nhận thức rõ động thái này sẽ bảo đảm cho một cuộc leo thang nghiêm trọng, có thể dẫn đến Chiến tranh Thế giới lần thứ ba.”
Ông Venediktov cũng cho rằng, việc Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO chỉ mang tính “tuyên truyền” vì các nước phương Tây hiểu rõ hậu quả sẽ ra sao nếu chính thức chấp thuận tư cách thành viên NATO cho Ukraine. Ông coi đây là nước đi “tự sát” của Ukraine nếu được NATO chấp thuận.
Tổng thống Vladimir Putin từng nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh về việc NATO liên tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng và kết nạp thành viên về phía đông, đặc biệt khi các quốc gia thuộc Liên Xô cũ trước đây như Georgia vốn từng thân cận với Nga giờ đây cũng tuyên bố quyết tâm gia nhập NATO.
Ngày 21/9/2022, Tổng thống Putin cảnh báo rằng ông không “nói chơi” khi tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ nước Nga trước sức ép từ các cường quốc phương Tây.
Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết thế giới đang đối mặt với mối nguy từ hạt nhân lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 - sự kiện được xem là “Ngày thứ Bảy đen tối” suýt dẫn đến “Ngày tận thế hạt nhân”.
Ngoài ra, phía NATO cũng xác nhận tổ chức này vào tuần tới vẫn tiến hành tập trận hạt nhân thường niên - sự kiện Steadfast Noon - ngay cả khi xung đột Nga - Ukraine leo thang. Đây là sự kiện thường quy tụ hàng chục máy bay từ các quốc gia thành viên NATO, diễn tập một sứ mệnh tấn công hạt nhân. Các máy bay tham gia thường không mang đầu đạn hạt nhân thật.
Cho đến nay, Nga và Mỹ vẫn là hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, nắm quyền kiểm soát đến 90% số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu.
Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Venediktov cũng cho biết, việc Tổng thống Ukraine kêu gọi các cuộc không kích nhằm vào Nga là động thái hết sức nguy hiểm, có thể kích hoạt chiến tranh hạt nhân và gây ra những hậu quả thảm khốc cho toàn thế giới.
“Chúng ta phải nhớ rằng: một cuộc xung đột hạt nhân chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rộng khắp trên toàn cầu - không chỉ Nga hay các nước phương Tây mà còn toàn bộ những quốc gia khác trên hành tinh này. Hậu quả của nó thật không dám tưởng tượng”, ông Venediktov nói.