Theo hãng tin Reuters, FSB cho biết vụ nổ cầu Crimea, hay còn gọi là cầu Kerch, do cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine và giám đốc cơ quan này là Kyrylo Budanov tổ chức. FSB cho nói thiết bị nổ đã được chuyển từ Ukraine đến Nga qua Bulgaria, Georgia và Armenia.
FSB cũng nói rằng họ đã ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào Moskva và thành phố Bryansk ở miền Tây nước Nga.
Nhà điều tra Nga cho biết các chất nổ được giấu trong các cuộn màng nhựa, được vận chuyển khỏi cảng Odessa của Ukraine vào tháng 8 và quá cảnh qua Bulgaria, Georgia và Armenia trước khi nhập cảnh vào Nga.
Tổng thống Nga Putin cam kết đáp trả 'cứng rắn' nếu Ukraine tiếp tục tấn công
FSB nhấn mạnh cuộc điều tra vẫn tiếp tục, cảnh báo "tất cả những người có vai trò tổ chức và đồng phạm trong vụ tấn công, kể cả công dân nước ngoài, sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Nga".
Ukraine chưa chính thức xác nhận liên quan đến vụ nổ cầu Crimea. Ngày 12/10, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Ukraine Andriy Yusov nói vụ điều tra của Nga là “không có ý nghĩa gì”.
Mặt khác, thông tin được công bố về vụ nổ cầu Crimea cũng gây nhiều hoài nghi khi một số chuyên gia quân sự cho rằng trong một vụ nổ do cài bom trong xe tải thì sức công phá thường hướng lên trên theo hình nón, thay vì tác động trực tiếp xuống dưới mặt cầu như thực tế đã diễn ra.
Ngày 8/10, cây cầu huyết mạch dài 19 km bắc qua Eo biển Kerch, nối Nga và bán đảo Crimea bị đánh bom làm sập một nhịp cầu. Cây cầu đóng vai trò là tuyến tiếp tế hậu cần quan trọng cho lực lượng Nga ở Crimea và các khu vực ở miền nam Ukraine do Nga kiểm soát như Kherson và cảng quân sự Sevastopol. Tổng thống Putin tố Ukraine đứng sau vụ tấn công này và cho rằng đây là hành vi khủng bố.
Ngay sau đó, Nga được cho đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công vào Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev. Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ đáp trả cứng rắn nếu Ukraine tiếp tục các hành động tấn công tương tự vụ ở cầu Crimea.