Trong quý I năm ngoái, Nga đạt thặng dư ngân sách 1.130 tỷ ruble, nhưng kể từ đó các khoản chi lớn cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt quan trọng của Nga đã ảnh hưởng đến ngân sách.
Sang quý I/2023, số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính Nga cho thấy tổng thu nhập của Chính phủ trong quý đã giảm 20,8% xuống 5.700 tỷ ruble do nguồn thu từ năng lượng giảm 45% xuống 1.640 tỷ ruble. Trong khi đó, tổng chi ngân sách lại tăng 34% lên 8.100 tỷ ruble. Như vậy, thâm hụt ngân sách liên bang ở mức 2.400 tỷ ruble (28,93 tỷ USD).
Tuy nhiên nếu chỉ tính riêng trong tháng 3/2023, Nga lại đạt thặng dư ngân sách 181 tỷ ruble so với mức thâm hụt 821 tỷ ruble trong tháng 2 và 1.760 tỷ ruble trong tháng 1.
Vào tháng 2, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng nước Nga đã vượt qua được những khó khăn tác động đến nền kinh tế và sẽ đạt mức tăng trưởng nhẹ trong năm nay. Theo ông Putin, nước này đã đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa đối với nền kinh tế và trong một số lĩnh vực sản xuất nhất định.
Bloomberg dẫn lời một nguồn tin ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Nga nhìn chung đã vượt lên các biện pháp trừng phạt của EU, và kim ngạch nhập khẩu của nước này phần lớn đã trở lại "mức trước xung đột" năm 2020.