Sáng 1/9: Thế giới ghi nhận trên 530.000 ca mắc Covid-19 và 8.085 ca tử vong trong 24 giờ qua

(VOH) - Theo Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 530.000 ca mắc Covid-19 và 8.085 ca tử vong. Nước Mỹ vượt mốc 40 triệu ca bệnh và vẫn dẫn đầu thế giới về cả ca nhiễm lẫn tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục trên thế giới đã đạt 195.240.829 người, 18.661.057 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.137 ca nguy kịch.

Tính chung Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đến nay là 40.057.321 người, trong đó có 657.533 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.810.892 ca nhiễm, bao gồm 439.054 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.776.870 ca bệnh và 580.413 ca tử vong.

covid-19, tử vong

Nhân viên y tế chuẩn bị chuyển thi thể của một bệnh nhân Covid-19 đến nhà xác tại Trung tâm Y tế Providence Holy Cross, Mission Hills, Los Angeles (Ảnh: AP)

Tại Mỹ, theo báo cáo mới đây nhất của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), gần 75% số người Mỹ trưởng thành và 72.1% người Mỹ có độ tuổi từ 12 trở lên đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19.

Sau một nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu của 43.127 ca bệnh, CDC Mỹ cảnh báo những người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp gần 30 lần người đã tiêm đủ liều. Theo định nghĩa của CDC, ca nhập viện là ca bệnh tới cơ sở y tế điều trị trong vòng 14 ngày sau khi nhiễm mầm bệnh.

Những người chưa tiêm vắc xin Covid-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp 29 lần những người đã tiêm đủ mũi. Ngoài ra, người chưa tiêm phòng cũng có nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cao gấp 5 lần người đã tiêm chủng.

CDC kết luận, dữ liệu về tỷ lệ nhiễm mầm bệnh và nhập viện chỉ ra rằng vắc xin bảo vệ con người khỏi nguy cơ nhiễm bệnh cũng như nguy cơ bệnh tiến triển nặng trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh mẽ.

Tại châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 31/8 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) cho hay, 70% người trưởng thành trong Liên minh châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ (tương đương hơn 250 triệu người), đạt mục tiêu khối đưa ra.

Chiến dịch tiêm chủng của EU bắt đầu từ cuối năm 2020, với mục tiêu 70% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng hết vào cuối tháng 9.

Tại Ý, tính đến ngày 29/8, nước này đã có 70% dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong đó 60% tiêm đủ mũi.

Tướng Francesco Paolo Figliuolo, thuộc Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của Italy, đặt mục tiêu tiêm chủng cho 80% người đủ điều kiện trước cuối tháng 9. Theo Giovanni Rezza, giám đốc cơ quan y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế Italy, mục tiêu trên sẽ cho phép đất nước trở lại cuộc sống bình thường trong những tháng đầu năm 2022.

Với tỷ lệ nhập viện thấp, đặc biệt là khu chăm sóc đặc biệt và tỷ lệ tiêm chủng tăng, Bộ Y tế Italy đã sửa đổi cách sử dụng thang màu cảnh báo dịch dựa trên tình hình Covid-19 của từng khu vực.

Từ ngày 6/8, chính phủ Italy đã yêu cầu người dân phải xuất trình "thẻ xanh", một loại chứng nhận tình trạng sức khỏe kỹ thuật số, khi tham gia các sự kiện lớn, tới nhà hàng, phòng gym và nhiều địa điểm công cộng khác.

Thẻ xanh về cơ bản là hộ chiếu vắc xin. Đây có thể là chứng nhận kỹ thuật số hoặc giấy in, chứng minh chủ sở hữu đã tiêm đủ mũi vắc xin hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 48 tiếng, hoặc từng nhiễm và đã phục hồi hoàn toàn.

Ngày 31/8, Slovakia thông báo ngừng sử dụng vắc xin Covid-19 Sputnik V do Nga sản xuất bởi nhu cầu của người dân thấp. Đến nay chỉ 18.500 công dân Slovakia đã tiêm đủ hai liều vắc xin của Nga. Slovakia đã bán phần lớn vắc xin Sputnik V lại cho Nga vào mùa hè này với lý do nhu cầu thấp. Slovakia nhận được 200.000 liều Sputnik V đầu tiên hồi tháng 3, dù loại vắc xin này chưa được EU cấp phép.

Hungary hiện là quốc gia EU duy nhất mua và sử dụng Sputnik V với số lượng đáng kể. Một nghiên cứu độc lập gần đây của các nhà khoa học Nga về hiệu quả của Sputnik V cho thấy vắc xin này có tác dụng 81% trong ngăn ngừa nhập viện ở những người nhiễm biến chủng Delta có triệu chứng. Kết quả bình duyệt công bố trên tạp chí Lancet hồi tháng 2 cho thấy hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm là 91,6%.

Hàn Quốc đang lập kế hoạch tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường, trong bối cảnh số ca nhiễm đang bùng phát lại và lo ngại khả năng bảo vệ của vắc xin mất dần theo thời gian.

Kế hoạch sẽ bắt đầu vào tháng 10 khi đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số, còn giới chức đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lên 80% bao phủ cả phụ nữ mang thai và trẻ vị thành niên từ 12 tới 17 tuổi trong quý IV.

Liều tăng cường sẽ dành cho người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc người có nguy cơ cao. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho hay những đối tượng khác sẽ được tiêm mũi tăng cường 6 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.

Hàn Quốc đang đối mặt làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất kể từ đầu tháng 7. Quốc gia này ghi nhận 1.3172 ca nhiễm mới hôm 30/8, nâng tổng số ca nhiễm lên 251.421, còn số ca tử vong là 2.285. Ít nhất 56,5% trong số 52 triệu dân Hàn Quốc đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin, trong đó 29,6% đã tiêm đầy đủ.