Sau Omicron, đã xuất hiện biến thể mới hơn có tên Deltacron tại Cộng hòa Cyprus

(VOH) - Biến thể mới của SARS-CoV-2 được phát hiện tại Cộng hòa Cyprus có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron, do đó nó được đặt tên là Deltacron.

Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Cyprus Michalis Hadjipantelas ngày 8/1 thông báo, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được đặt tên là Deltacron đã được phát hiện ở nước này, nhưng hiện biến thể này không đáng quan ngại.

Một nhóm nghiên cứu do ông Leondios Kostrikis, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và virus học phân tử tại Đại học Cyprus, dẫn đầu đã phát hiện ra biến thể trên.

Deltacron

Hình ảnh hiển vi điện tử quét màu của một tế bào apoptotic (màu tím) bị nhiễm virus SARS-COV-2 (màu vàng) - Deltacron, được phân lập từ mẫu bệnh phẩm. (Ảnh: NIH/REUTERS)

 

Ông Kostrikis nói với truyền thông địa phương rằng, nhóm của ông đã phát hiện 25 mẫu được lấy ở Cộng hòa Cyprus, sau khi giải trình tự 1.377 mẫu như một phần của chương trình truy tìm các đột biến có thể có của SARS-CoV-2 ở Cyprus.

Biến thể mới của SARS-CoV-2 mới có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron, do đó nó được đặt tên là Deltacron. Tần suất phát hiện biến thể cao hơn ở những người nằm viện, điều đó có nghĩa là có mối tương quan giữa Deltacron và tỷ lệ nhập viện.

Theo Bộ trưởng Y tế Hadipantelas, hiện biến thể không gây lo ngại.

Xem thêm: Thái Lan tiếp tục tạm ngưng nhập cảnh do biến thể Omicron vẫn đang lan rộng

Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến và tạo ra những biến chủng mới. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như Alpha, Belta, Gamma, Delta, Omicron - được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh sách biến thể đáng lo ngại.

Một số nguy cơ tiềm ẩn của các biến thể mới có thể kể tới như:

Khả năng lây lan nhanh hơn ở người. 

Đã có bằng chứng cho thấy một chủng đột biến, D614G, có khả năng lây truyền nhanh hơn so với SARS-CoV-2 kiểu hoang dã. Trong phòng thí nghiệm, các biến thể 614G lan truyền nhanh hơn trong các tế bào biểu mô đường hô hấp ở người, vượt qua cả virus 614D. Ngoài ra còn có bằng chứng dịch tễ học cho thấy biến thể 614G lây lan nhanh hơn virus không có đột biến.

Khả năng gây bệnh nhẹ hơn hoặc nặng hơn ở người. Không có bằng chứng cho thấy những biến thể SARS-CoV-2 được xác định gần đây gây ra bệnh nặng hơn những biến thể trước đó.

Khả năng lẩn tránh phát hiện bởi các xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu. Hầu hết các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) hiện nay đều có nhiều gen mục tiêu khác nhau để phát hiện virus, khi có một đột biến tác động đến một trong các gen mục tiêu, thì các gen mục tiêu khác vẫn hoạt động.

Giảm tính nhạy cảm với các tác nhân điều trị như kháng thể đơn dòng.

Khả năng tránh miễn dịch tự nhiên hoặc do vắc xin tạo ra. Cả việc chủng ngừa và sự lây nhiễm tự nhiên với virus SARS-CoV-2 đều là phản ứng “đa dòng” tạo ra kháng thể có đích đến trên một số phần của protein gai. Virus có thể cần phải tích lũy nhiều đột biến ở protein gai để tránh miễn dịch do vắc xin tạo ra hoặc có được từ nhiễm trùng tự nhiên.

Trong số những khả năng trên - khả năng tránh miễn dịch do vắc xin tạo ra là mối lo ngại nhất vì một khi tỷ lệ lớn dân số được tiêm chủng sẽ hình thành áp lực miễn dịch có thể tạo điều kiện và đẩy nhanh sự xuất hiện của các biến thể bằng cách chọn lọc “đột biến đào thoát” (escape mutants).

Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này đang xảy ra, đa số các chuyên gia tin rằng các chủng “đột biến đào thoát” khó có thể xuất hiện do bản chất tự nhiên của virus.