Micheal Gove, bộ trưởng phụ trách chuẩn bị tiến trình Brexit, đã mô tả kịch bản tồi tệ hợp lý nhất này trong một bức thư gửi các doanh nghiệp logistic. Gove sẽ phải trình bày chi tiết hơn cho Quốc hội trong ngày thứ Tư 23/9.
Bức thư của chính phủ cho biết rằng có khoảng từ 30% đến 50% số xe tải muốn băng qua đường hầm Eo biển Manche có thể chưa sẵn sàng cho các thủ tục giấy tờ và các quy định mới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Và điều này sẽ dẫn đến tình trạng một hàng dài với tối đa 7.000 chiếc xe sẽ nối đuôi tại biên giới hạt Kent, và sẽ phải chờ tối đa hai ngày để được qua biên giới.
Vương quốc Anh đã rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1/2020 và hiện vẫn còn trong giai đoạn chuyển giao không áp dụng thuế quan, kéo dài cho đến hết năm nay, trong khi các cuộc đàm phán bàn về quan hệ thương mại tương lai giữa Anh và EU vẫn chưa ngã ngũ.
Dù cho có đạt được thỏa thuận, Anh cũng sẽ rời khỏi khối thị trường chung, đồng nghĩa với việc sẽ có các quy định về kiểm tra và rào cản thương mại mới. Nếu không có thỏa thuận sẽ có sự gián đoạn lớn hơn nhiều, với việc Anh và EU sẽ cùng áp đặt thuế quan cho hàng hóa của hai bên.
Cả hai bên đều nói rằng thỏa thuận có thể sẽ bị kẹt cho tới tháng 10 mới có thể thông qua và phê chuẩn trước ngày hiệu lực là 1/1. Nhưng các nhà đàm phán vẫn lo lắng về các vấn đề chính, đặc biệt là quyền tiếp cận vùng biển của Vương quốc Anh và quy tắc cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Trưởng đàm phán phía EU Michel Barnier sẽ chủ trì một buổi nói chuyện với người đồng cấp của Anh là David Frost tại London ngày 23/9 trước khi bước vào vòng đàm phán chính thức thứ 9 diễn ra tuần tới.
Bầu không khí của các buổi đàm phán sẽ lạnh lẽo hơn với việc Thủ tướng Anh Boris Johnson giới thiệu một dự luật cho phép Anh quyền thay thế các phần của các quyền ràng buộc nêu trong thỏa thuận rút khỏi EU đã ký cách đây chưa đầy 1 năm.
Điều đó đã khiến EU tức giận, vốn đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý nếu Anh không rút lại dự luật vào cuối tháng 9. Thủ tướng Johnson không có dấu hiệu từ bỏ dự luật, hiện đang được thông qua Quốc hội.
Dự luật này cũng gây náo động ở Anh. Có 5 cựu thủ tướng đã chỉ trích sự sẵn sàng phá vỡ luật pháp quốc tế của ông Johnson, và công chức pháp lý hàng đầu của chính phủ cũng như quan chức luật cao cấp nhất của Scotland đều đã từ chức.
Xem thêm: