Tân Tổng thống Hàn Quốc đối mặt với nhiều thách thức mới

(VOH) - Ông Yoon Seok-Yeol vừa có chiến thắng sít sao với 48,5% số phiếu bầu, so với 47,8% của ứng viên Lee Jae-myung.

Cam kết xây dựng nền quốc phòng vững mạnh và để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên được xem là một trong các thông điệp được Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đưa ra ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc ngày 10/3.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở Quốc hội sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 20 ở Hàn Quốc, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-Yeol cho biết sẽ tôn trọng Hiến pháp và Quốc hội Hàn Quốc, đồng thời cam kết sẽ hợp tác với các đảng đối lập để hàn gắn nền chính trị phân cực, cũng như thúc đẩy sự đoàn kết vì lợi ích của nhân dân. Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc cũng cho biết sẽ xây dựng nền quốc phòng mạnh mẽ, đồng thời luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên.

 Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trong cuộc họp báo tại Quốc hội, ngày 10/3. (Ảnh: Yonhap)
 Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu trong cuộc họp báo tại Quốc hội, ngày 10/3. (Ảnh: Yonhap)

Trước đó, theo kết quả kiểm phiếu do Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc công bố trước đó cùng ngày, ông Yoon Seok-Yeol giành chiến thắng sít sao với 48,5% số phiếu bầu, so với 47,8% của ứng viên Lee Jae-myung thuộc đảng Dân chủ cầm quyền. Kết quả này đồng nghĩa với việc ông Yoon Seok-yeol, 61 tuổi, sẽ trở thành tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc, kế nhiệm Tổng thống Moon Jae-in ngay trong tháng này. Ngay sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, ứng cử viên  Lee Jae-myung đã thừa nhận thất bại và chúc mừng chiến thắng của ông Yoon Seok-yeol.

Dư luận quốc tế đã ngay lập tức lên tiếng chúc mừng chiến thắng của nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc.  Mỹ - đồng minh thân cận của Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới bày tỏ chúc mừng. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden mong được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc nhằm củng cố liên minh Mỹ - Hàn, thắt chặt hơn nữa hợp tác giữa hai nước

Ông Yoon Suk-yeol, ứng cử viên của đảng Quyền lực quốc dân (PPP), là người chiến thắng trong cuộc đua khó đoán định nhất để trở thành vị tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc. Chiến thắng của ông đã chấm dứt chu kỳ “đổi ngôi” sau mỗi 10 năm giữa các chính đảng thuộc hai phái bảo thủ và tiến bộ ở Hàn Quốc. Chiến thắng này cũng đồng thời cho thấy cử tri đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông vì “sự thay đổi vĩ đại cho xã hội Hàn Quốc”

Lý giải về chiến thắng này, giới phân tích cho rằng nắm bắt tâm lý mệt mỏi của người dân do tác động của đại dịch COVID-19 kéo dài, ông Yoon Suk-yeol đã đưa ra cương lĩnh tranh cử tập trung cho các vấn đề đối nội, với trọng tâm là kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19, tăng cường đầu tư cho các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo, thân thiện với môi trường, lấy công nghệ cao làm động lực phát triển mới bền vững nhằm tạo cơ hội việc làm ổn định cho giới trẻ Hàn Quốc.

Hiện, Hàn Quốc đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 lớn nhất với số ca mắc lập kỷ lục hơn 300.000 ca mỗi ngày. Vì thế, cử tri kỳ vọng vào một sự mới mẻ trong chính quyền mới, có khả năng khôi phục đời sống thường nhật, phục hồi hoạt động kinh tế. Những cam kết ông Yoon Suk-yeol đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử với mục tiêu quản lý hiệu quả dịch bệnh và phục hồi kinh tế hậu COVID-19, hỗ trợ hợp lý cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch và thay đổi biện pháp chống dịch hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực cho người dân... được đánh giá là đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Một ví dụ khác, trong vấn đề kiểm soát thị trường bất động sản, ông Yoon Suk-yeol đưa ra cương lĩnh tranh cử tập trung vào việc tăng nguồn cung nhà ở với giá cả hợp lý cho khu vực đô thị, đặc biệt cho người dân thủ đô Seoul và các khu vực phụ cận. Theo đó, vấn đề thuế bất động sản cũng được cam kết đưa về mức trước thời điểm năm 2020 nhằm đảm bảo không tăng thuế và khơi thông bế tắc trong giao dịch bất động sản.

Trong chiến dịch tranh cử, với tầm nhìn đưa Hàn Quốc trở thành “cường quốc nòng cốt toàn cầu”, ông Yoon Suk-yeol đã đề xuất một chính sách đối ngoại xứng với vị thế nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới của Hàn Quốc. Theo đó, nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc sẽ theo đuổi một liên minh mạnh mẽ và dựa trên những giá trị sẵn có với Mỹ và sẽ củng cố năng lực răn đe và ngăn chặn trong quan hệ với Triều Tiên. Chính khách này cũng nhấn mạnh nỗ lực hòa giải với Nhật Bản và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đồng minh ba bên với Washington và Tokyo cũng như mối quan hệ liên minh đa phương trong nhóm "Bộ Tứ". Ông đề cập việc tiếp tục triển khai chính sách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc, song thể hiện sự độc lập hơn khi cho rằng cần cấu trúc lại mối quan hệ này.

Một điểm nhấn khác là mối quan hệ Hàn – Mỹ. Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol chủ trương hướng tới quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện, vượt ra khỏi khuôn khổ liên minh quân sự và bao trùm cả các vấn đề phi truyền thống. Ông cho rằng cần phục hồi niềm tin vào liên minh Hàn- Mỹ vốn bị giảm sút dưới thời chính quyền đương nhiệm. Tổng thống đắc cử cũng đề xuất tăng cường hợp tác chiến lược với việc triển khai bổ sung hệ thống tên lửa THAAD và nâng cấp khả năng răn đe mở rộng của liên minh Hàn-Mỹ.  Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ông Yoon Suk-yeol đưa ra đề xuất lập trường cứng rắn, ưu tiên phi hạt nhân hóa Triều Tiên và đảm bảo có kiểm chứng. Sự nhấn mạnh của ông về cam kết có điều kiện với Triều Tiên dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” cho thấy quan điểm của các chính phủ trước đây dưới thời các cựu tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye.

Ngoài việc triển khai những chính sách đối nội đối ngoại đã đề ra, vị tổng thống đắc cử sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề thách thức. Trong diễn văn đắc cử, ông Yoon Suk-yeol nhấn mạnh đến ưu tiên số một là đoàn kết dân tộc, phụng sự nhân dân và kêu gọi hợp tác với đảng cầm quyền hiện tại.  Tại quốc hội có 300 ghế, đảng PPP của tổng thống đắc cử chỉ có 110 ghế so với mức 172 ghế của đảng Dân chủ (DP). Đó là còn chưa kể đến việc hệ thống chính quyền các cấp đa số cũng đang do đảng DP nắm giữ. Nếu không có sách lược phù hợp để tập hợp sự ủng hộ của lực lượng đối lập và các đảng nhỏ, chính phủ của ông Yoon Suk-yeol ngay lập tức sẽ rơi vào tình thế “tê liệt” không thể triển khai các chính sách như cam kết.

Hiện người dân Hàn Quốc đang dõi theo việc thành lập chính phủ mới với hy vọng nhà lãnh đạo vừa được bầu chọn sẽ điều hành đất nước phát triển nhanh, đúng như cam kết ông đã đưa ra.

Bình luận