Tàu Iran bị tấn công bằng thủy lôi trên Biển Đỏ

(VOH) - Bộ Ngoại giao Iran ngày 7/4 đã chính thức xác nhận tàu Saviz của nước này là mục tiêu tấn công tại khu vực Biển Đỏ bằng thủy lôi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - Saeed Khatibzadeh ngày 7/4 cho biết: “Một vụ nổ đã xảy ra vào sáng thứ Ba ngày 6/4 gần bờ biển Djibouti và gây ra thiệt hại nhỏ, không có thương vong về người. Con tàu bị tấn công là tàu dân sự neo đậu tại khu vực trên nhằm bảo đảm an ninh trước nạn cướp biển. Vụ việc đang được tiến hành điều tra làm rõ.”

Vào ngày 6/4, nhiều đơn vị truyền thông Iran đã đưa tin về vụ tấn công. Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran đưa tin: “Tàu Iran mang tên Saviz đã đóng tại Biển Đỏ trong vài năm qua để hỗ trợ lực lượng biệt kích Iran được cử đi thực hiện các nhiệm vụ hộ tống tàu thương mại trước cướp biển.”

Ngoài ra, kênh truyền hình Al Arabiya còn trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, tàu Saviz có liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran bị tấn công ngoài khơi bờ biển Eritrea, nhưng không đưa ra bằng chứng.

Tàu Iran bị tấn công bằng thủy lôi trên Biển Đỏ
Tàu Saviz của Iran trên Biển Đỏ, được chụp vào năm 2018. Ảnh chụp màn hình. Nguồn: Al Arabiya TV 
Tàu Iran bị tấn công bằng thủy lôi trên Biển Đỏ
Ảnh vệ tinh chụp được tàu Saviz ở khu vực Biển Đỏ, ngoài khơi bờ biển Yemen vào tháng 10/2020. Con tàu này đã hiện diện từ lâu trong khu vực này, làm nhiệm vụ hỗ trợ hộ tống các tàu hàng thương mại. Nguồn: AP

Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các vụ tấn công nhắm vào tàu thuộc sở hữu Israel hoặc Iran được báo cáo từ cuối tháng 2/2021 đến nay. Cả hai nước đều từng lên tiếng cáo buộc lẫn nhau đã gây ra các vụ tấn công này và yêu cầu phải chịu trách nhiệm.

Về phía Israel, quốc gia này từ chối bình luận về vụ tấn công mới nhất nhắm vào tàu Saviz của Iran.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi nhậm chức vào tháng 1 đầu năm đã cam kết tái tham gia thỏa thuận hạt nhân ký vào năm 2015 với Iran và 6 cường quốc khác trên thế giới (JCPOA), với điều kiện Iran cũng quay trở lại tuân thủ đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận.

Năm 2018, người tiền nhiệm của Joe Biden là Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, tái áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào kinh tế Iran và đây là nguyên nhân chính cho căng thẳng kéo dài giữa Mỹ và Iran từ đó đến nay.

Cũng trong ngày 6/4, Mỹ và Iran đã bắt đầu tiến hành đàm phán gián tiếp tại thủ đô Vienna của ÁO nhằm tìm cách khôi phục lại JCPOA. Cả Iran và Mỹ đều gọi các cuộc đàm phán là “mang tính xây dựng”.

Cả chính quyền của Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề là việc bên nào sẽ thực hiện những bước đi đầu tiên - hay đưa ra những nhượng bộ trước - để đạt được mục tiêu này thì vẫn còn phải chờ đợi.

Bình luận