Thống kê mới nhất ghi nhận ít nhất 64 người đã thiệt mạng trong trận lũ, diễn ra vào ngày 29/10, và con số này có thể tiếp tục tăng khi nhiều khu vực chưa kịp báo cáo thiệt hại và hàng chục người vẫn còn mất tích.
Trận lũ kinh hoàng đã tàn phá Valencia ở miền Đông và Andalusia ở miền Nam Tây Ban Nha. Cơn mưa lớn nhất kể từ tháng 9/1966 đổ xuống đất nước, nhấn chìm đường phố, cuốn trôi nhiều ô tô và phá hủy cơ sở hạ tầng. Các cảnh quay trên truyền hình cho thấy nhiều tuyến đường ngập sâu trong bùn đất, làm gián đoạn giao thông và gây khó khăn cho công tác cứu hộ.
Lực lượng cứu hộ Tây Ban Nha hiện đang nỗ lực tìm kiếm và giải cứu những người mắc kẹt, trong khi các tuyến đường cao tốc bị ngập lụt, khiến vài trăm người mắc kẹt trên các tuyến giao thông.
Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, thể hiện sự đồng cảm của Hoàng gia đối với những mất mát đau thương của đất nước. Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định chính phủ Tây Ban Nha sẽ “không bỏ rơi” bất kỳ người dân nào trong tình huống khẩn cấp này, đồng thời kêu gọi người dân giữ cảnh giác khi tình hình thiên tai vẫn diễn biến phức tạp. Trong cuộc họp Nội các khẩn cấp, ông Sanchez khẳng định ưu tiên tuyệt đối là hỗ trợ người dân trong việc khắc phục hậu quả sau lũ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng hỗ trợ Tây Ban Nha vượt qua thảm họa này. Bà cho biết EU đã kích hoạt hệ thống vệ tinh Copernicus để giúp điều phối các đội cứu hộ và đề nghị sử dụng cơ chế bảo vệ dân sự nhằm hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ của Tây Ban Nha.
Ngoài EU, nhiều quốc gia cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với Tây Ban Nha. Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã gửi thông điệp chia sẻ sâu sắc với nhân dân Tây Ban Nha. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng gửi lời chia buồn chân thành nhất đến gia đình các nạn nhân, thể hiện tinh thần đoàn kết của châu Âu trong lúc khó khăn.