Vị trí chiến lược
Tháp 22 nằm tại vị trí quan trọng mang tính chiến lược tại điểm cực đông bắc của Jordan, nơi biên giới giáp với Syria và Iraq.
Vai trò
Có rất ít thông tin về Tháp 22 và những thông tin này cũng không được phổ biến rộng rãi. Theo Reuters, Tháp 22 được sử dụng cho mục đích hậu cần và hiện có 350 quân nhân thuộc Lục quân và Không quân Mỹ đang đồn trú tại đây.
Tháp 22 nằm gần doanh trại Al Tanf, nằm bên kia biên giới với Syria và là nơi đóng quân của một số lượng nhỏ binh lính Mỹ. Al Tanf từng đóng vai trò trọng yếu trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đảm nhận vai trò là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn việc Iran mở rộng quy mô quân sự ở miền đông Syria.
Tháp 22 nằm đủ gần lực lượng Mỹ tại Al Tanf để có thể hỗ trợ họ khi cần thiết, đồng thời có khả năng chống lại các nhóm vũ trang được cho là do Iran hậu thuẫn trong khu vực và cho phép quân đội để mắt đến những tàn dư của IS trong vùng.
Lực lượng Mỹ ở Jordan
Lực lượng quân đội Mỹ ở Jordan là một trong những lực lượng quân sự nước ngoài nhận phân bổ ngân sách "tốn kém" nhất của Washington. Tại Jordan có đến hàng trăm huấn luyện viên quân sự của Mỹ, và nước này cũng là một trong số ít đồng minh của Mỹ trong khu vực tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn với quân đội Mỹ trong suốt cả năm.
Kể từ khi xung đột ở Syria nổ ra vào năm 2011, Washington đã chi hàng trăm triệu USD để giúp Amman thiết lập một hệ thống giám sát phức tạp, được gọi là Chương trình An ninh Biên giới, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm phiến quân từ Syria và Iraq.
Vụ tấn công đầu tiên có lính Mỹ thiệt mạng
Ngày 28/1, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo Tháp 22 bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 34 người bị thương nặng, có khả năng chấn thương sọ não, đang được theo dõi điều trị.
Đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp binh sĩ Mỹ ở Trung Đông thiệt mạng kể từ khi bùng nổ cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này đang thu thập thông tin về vụ việc, đồng thời khẳng định "vụ tấn công do các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn hoạt động ở Iraq và Syria gây ra". Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục thực thi “cam kết với cuộc chiến chống khủng bố” và sẽ buộc mọi đối tượng liên quan đến vụ tấn công “phải chịu trách nhiệm vào thời điểm và cách thức” do Washington quyết định.
Phía Iran phủ nhận đứng sau cuộc tấn công. Tuy nhiên, một thủ lĩnh giấu tên của nhóm vũ trang Kháng chiến Hồi giáo (IRI) ở Iraq - tổ chức tập hợp các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
"Nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ Israel, tình hình sẽ leo thang. Tất cả lợi ích của Mỹ trong khu vực đều là mục tiêu và chúng tôi không quan tâm đến những lời đe dọa đáp trả từ họ", thủ lĩnh cấp cao của IRI tuyên bố.
Kể từ khi chiến sự giữa Israel và Hamas nổ ra ở Dải Gaza, Washington thể hiện lập trường hỗ trợ Israel chống Hamas nhưng vẫn cố gắng kiềm chế căng thẳng leo thang vì lo ngại nguy cơ xung đột lan rộng ra khắp Trung Đông, ngay cả khi nhiều nhóm vũ trang được Iran hỗ trợ đang liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ đồn trú trong khu vực.
Tuy nhiên giờ đây khi tình hình dường như ngày càng vượt kiểm soát và ghi nhận những lính Mỹ đầu tiên thiệt mạng vì các vụ tấn công, thì việc làm thế nào để phản ứng mạnh mẽ hơn mà không làm leo thang căng thẳng trong khu vực hiện đang là bài toán không dễ dàng cho Washington.