Chờ...

Thế giới có trên 241 triệu người mắc COVID-19

(VOH) - Theo trang thống kê worldometers, tính đến sáng 17/10, thế giới có trên 241 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,9 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 218.201.080 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 45,7 triệu ca mắc và hơn 744.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 21.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2. Chính phủ Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại với những người nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ từ tháng 11.

Tiếp đó là Ấn Độ với 452.010 ca tử vong trong số 34.053.573 ca. Brazil đứng thứ 3 với 602.727 ca tử vong trong số 21.627.476 ca.

Tuy nhiên, "điểm nóng" dịch bệnh hiện nay tập trung tại Nga khi trong vòng 24 giờ qua, nước này lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong trên 1.000 ca/ngày, trong khi số ca mắc mới cũng ở con số cao chưa từng thấy với 33.208 ca mắc mới. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở quốc gia châu Âu này vẫn ở mức thấp tương đương 31% dân số.

Hiện Nga cũng là quốc gia châu Âu có số người không qua khỏi do COVID-19 cao nhất "lục địa già" với 222.315 ca.

the-gioi-co-tren-241-trieu-nguoi-mac-covid-19-voh.com.vn-anh1
Y tá Mỹ chăm sóc một bệnh nhân COVID-19 phải thở oxy. (Ảnh: US Mission to NATO)

Indonesia sẽ tiếp tục duy trì lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới sắp tới. Lệnh hạn chế được duy trì nhằm tiếp tục giảm thiểu số ca mắc COVID-19. Giới chức Indonesia cũng kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp chống dịch của Chính phủ, đồng thời hy vọng chính quyền các địa phương sẽ giám sát và kiểm soát các hoạt động đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh gia tăng.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài thêm 15 ngày kể từ ngày 16/10, đồng thời tạo điều kiện cho người dân làm ăn và sinh sống trong điều kiện bình thường mới. Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nêu rõ, tuy Chính phủ Lào đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng trong cộng đồng tại nhiều tỉnh và khó dự báo. Trong hai tuần qua, số ca cộng động đã tăng 98,5%. Chính vì vậy, Chính phủ Lào yêu cầu tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa đã ban hành.

Tại Thái Lan, tính đến sáng 16/10, Thái Lan ghi nhận thêm 10.648 ca nhiễm mới cùng 82 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.772.838 ca, trong đó có 1.647.255 bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và 18.205 người không qua khỏi.

Chính phủ nước này đã đưa ra các biện pháp để chào đón du khách nước ngoài trở lại phù hợp với kế hoạch mở của trở lại của nước này. Người phát ngôn của Chính quyền vùng đô thị Bangkok (MBA) Pongsakorn Kwanmuang cho biết thủ đô Bangkok sẽ thành lập các điểm xét nghiệm (swab hub) dành cho du khách nước ngoài tương tự như Phuket khi Bangkok mở cửa cho khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ vào tháng 11/2021.

Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ miễn cách ly đối với khách du lịch bằng đường hàng không đã được tiêm chủng đầy đủ từ 5 quốc gia là Anh, Mỹ, Đức, Singapore và Trung Quốc từ 1/11, đồng thời mở thêm nhiều địa điểm dành cho du khách nước ngoài ở các tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok.

Về tình hình tiêm chủng, thống kê của hãng Bloomberg cho thấy, hơn 6,64 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu tại 184 quốc gia và vùng lãnh thổ, tương ứng với tỷ lệ 43,2% dân số thế giới đã được tiêm chủng. Trung bình mỗi ngày 26,6 triệu liều vaccine được tiêm và với tốc độ tiêm này, thế giới sẽ mất 6 tháng để bao phủ vaccine cho 75% dân số toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề vaccine, các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tiếp tục bất đồng về bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19. Nhiều nước cho rằng một thỏa thuận như vậy chỉ có thể đạt được khi một số nước có "thỏa hiệp thực sự".

Theo Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, các cuộc đàm phán về việc từ bỏ bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19 đã "bế tắc", nhưng các cuộc tham vấn không chính thức vẫn đang tiếp tục. Bà bày tỏ tin tưởng các bên có thể sớm tìm được tiếng nói chung. Dự kiến cuộc họp chính thức tiếp theo sẽ diễn ra ngày 26/10 tới.

Nam Phi và Ấn Độ đã kêu gọi tạm thời dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 nhằm thúc đẩy sản xuất và khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước.