Chờ...

Gần 2 năm qua: Hơn 4.9 triệu người trên thế giới đã tử vong vì Covid-19

(VOH) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến trưa ngày 16/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 240.850.632 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 4.905.112 ca tử vong.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với 743.880ca tử vong trong tổng số 45.738.585 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 452.010 ca tử vong trong số 34.052.687 ca. Brazil đứng thứ 3 với 602.727 ca tử vong trong số 21.627.476 ca.

Tại châu Âu, tình hình đại dịch Covid-19 ở Nga đang diễn biến khá nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 32.196 ca mắc mới Covid-19 và 999 ca tử vong do căn bệnh này - cả hai chỉ số này đều ở mức kỷ lục từ đầu đại dịch.

covid-19
Có hơn 4.9 triệu người trên thế giới đã tử vong vì Covid-19 (Ảnh: ABC news)

Thị trưởng thủ đô Moskva, ông Sergei Sobyanin, cho biết thành phố này sẽ mở thêm 30 điểm xét nghiệm nhanh vi rút SARS-CoV-2 từ ngày 18/10 để tầm soát cho người dân trên quy mô lớn, trong bối cảnh chất lượng xét nghiệm này đạt hiệu quả tới 80%. Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga - Rospotrebnadzor - cũng đã giảm 50% thời gian thông báo kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, theo đó kết quả sẽ được thông báo trong vòng 24 giờ sau khi mẫu thử được gửi đến phòng thí nghiệm.

Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - ông Kirill Dmitriev cho biết trong năm 2022, Nga sẽ sản xuất số liều vắc xin Sputnik V và Sputnik Light cần thiết để tiêm chủng cho 1 tỷ người. 

Theo số liệu của Bộ Công thương Nga, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các loại vắc xin của Nga đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước. Tháng Tám vừa qua, Nga cũng đã ghi nhận sự gia tăng xuất khẩu các loại vắc xin khác nhau, trong đó có vắc xin Sputnik V.

Đến nay, vắc xin Sputnik V đã được 70 quốc gia trên thế giới phê chuẩn sử dụng nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa công nhận vắc xin này.

Tại Anh, Cơ quan Thống kê quốc gia của nước này vừa công bố số liệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tại nước này đã tăng lên trong tuần kết thúc vào ngày 9/10 vừa qua, theo đó cứ trong 60 người thì có 1 người mắc bệnh - mức cao nhất kể từ tháng 1/2021.

Trong ngày 15/10, nước này cũng ghi nhận thêm 145 trường hợp tử vong do Covid-19 trong số 44.932 ca bệnh mới. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Anh ghi nhận hơn 40.000 trường hợp mắc bệnh trong một ngày, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên con số 8.361.651. Tổng số ca tử vong liên quan Covid-19 ở Anh hiện 138.379 người.

Hiện hơn 85% người từ 12 tuổi trở lên ở Anh đã tiêm liều vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên, trong khi hơn 78% đã được tiêm đủ cả hai liều.

Xem thêm: Ngoại trưởng Mỹ gặp Tổng Giám đốc WHO, bày tỏ ủng hộ điều tra thêm về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc

Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cảnh báo về nguy cơ xảy ra "một đại dịch" mới khi mùa Đông tới mang theo bệnh cúm mùa trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa thể kiểm soát. Mỗi năm các nước Liên minh châu Âu (EU) có tới 40.000 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến cúm, ngay cả khi không có đại dịch Covid-19.

Do đó, bà kêu gọi người dân cần tiêm phòng cả bệnh cúm mùa, để đảm bảo ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh khi các nước dần mở cửa trở lại.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Mỹ thông báo biên giới đường bộ giữa quốc gia này và Mexico sẽ được mở lại vào ngày 8/11 tới sau 19 tháng tạm dừng các hoạt động phi thiết yếu do đại dịch Covid-19. Chính sách này được áp dụng đối với những người đã được tiêm các loại vắc xin ngừa Covid-19 mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn.

Theo thống kê của cơ quan cửa khẩu, mỗi ngày khoảng 1 triệu công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD.

Trong một động thái nhằm khuyến khích khách du lịch tới Mỹ, ngày 15/10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết du khách quốc tế tiêm kết hợp các loại vắc xin ngừa Covid-19 do các hãng khác nhau sản xuất vẫn được nhập cảnh Mỹ. CDC Mỹ đồng thời lưu ý rằng các loại vắc xin này phải là các loại vắc xin được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại với những người nước ngoài đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ.

Người đến từ hơn 30 quốc gia trong "danh sách xanh" của Mỹ sẽ được phép nhập cảnh vào nước này qua các cửa khẩu hàng không và đường bộ từ ngày 8/11.

Khi đó, Nhà Trắng cũng thông báo sẽ yêu cầu người nước ngoài nhập cảnh từ mọi quốc gia trên thế giới phải có chứng nhận tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Những người không phải là công dân Mỹ khi nhập cảnh bằng đường hàng không sẽ phải có xác nhận tiêm phòng trước khi lên máy bay và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.