Theo thống kê của Worldometers, thế giới đã ghi nhận 202.274.820 ca nhiễm Covid-19 và 4.288.589 ca tử vong, trong khi 180.098.389 người đã bình phục.
Theo AFP, số ca mới trung bình hàng ngày trên toàn cầu tăng 6% trong tuần qua, lên 612.000 ca một ngày ở tất cả khu vực trên thế giới, ngoại trừ Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Ca Covid-19 mới trung bình hàng ngày trong tuần qua tăng 20% ở châu Đại Dương, 11% ở Trung Đông, 6% ở châu Á, 3% ở châu Âu và 1% ở châu Phi. Mỹ và Canada là khu vực chứng kiến mức tăng lớn nhất 44%.
Khu vực duy nhất không ghi nhận gia tăng là Mỹ Latinh và vùng Caribe, nơi ca Covid-19 trung bình hàng ngày giảm 13% so với tuần trước.
Biến thể Delta đang là chủng trội ở nhiều quốc gia và khiến số ca nhiễm không ngừng tăng. Hiện biến chủng Delta đã có mặt ở trên 100 nước trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định đây sẽ là biến chủng trội nhất trên toàn cầu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong tháng qua, số ca mắc Covid-19 hằng ngày ở Mỹ đã tăng gấp 6 lần, trong khi số ca tử vong tăng gấp 4 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được cho là do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và việc giảm tốc tiêm phòng vắc xin.
Số liệu của CDC cho biết, hiện mỗi ngày nước Mỹ có khoảng 120.000 ca mắc mới, chủ yếu là nhiễm biến thể Delta.
CDC khuyến cáo dân Mỹ đeo khẩu trang trở lại và thậm chí tái áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người ở những khu vực điểm nóng.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cảnh báo biến chủng này có thể sẽ khiến biểu đồ dịch bệnh tại Mỹ tiếp tục đi lên trong những tuần tới. Đây cũng là nhận định được giới chuyên gia y tế đưa ra.
Tính đến nay, nước Mỹ đã tiêm phòng được cho 192,6 triệu người, nhưng cũng còn nhiều người không chịu đi tiêm.
Israel cũng đang chứng kiến mức tăng đột biến nhất khi ca Covid-19 mới trung bình hàng ngày tăng 101%. Israel là một trong những nước tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới và đã bắt đầu tiêm các mũi tăng cường. Họ từng ghi nhận tỷ lệ nhiễm giảm mạnh xuống chưa đến 10 trường hợp trên 100.000 dân, nhưng con số này hiện là 243.
Nước chủ nhà Olympic Nhật Bản là quốc gia ghi nhận mức tăng ca nhiễm cao thứ hai với 97%, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 56%, Pakistan với 54% và Morocco với 49%.
Trong khi đó, Zimbabwe ghi nhận mức giảm mạnh nhất 46%, theo sau là Hà Lan với 44%, Brazil 28%, Rwanda 27% và Colombia 26%.
Tính theo bình quân đầu người, quốc gia ghi nhận nhiều ca mới nhất trong tuần qua là Fiji với 824 ca trên 100.000 dân, tiếp theo là Georgia với 575 ca và Cuba 565 ca.
Trong tuần qua, trung bình số người chết vì Covid-19 hàng ngày trên toàn thế giới là 9.382, tăng 5%.
Giống như tuần trước, Indonesia tiếp tục là nước ghi nhận số ca tử vong trung bình hàng ngày cao nhất với 1.689 trường hợp, tiếp theo là Brazil với 887 trường hợp và Nga 790 trường hợp.
* Singapore nới lỏng biện pháp phòng dịch Covid-19 từ tuần tới
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung vừa thông báo, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 từ tuần tới và nới lỏng quy định nhập cảnh đối với lao động nước ngoài trong bối cảnh 70% dân số nước này đã tiêm đủ liều vắc xin.
Theo quy định mới, kể từ ngày 10/8, các nhà chức trách sẽ cho phép những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 sử dụng dịch vụ tại nhà hàng và nếu đi theo nhóm thì tối đa chỉ 5 người/nhóm. Bên cạnh đó, số người được phép tụ tập ngoài trời cũng tăng từ 2 lên 5 người.
Liên quan đến quy định nhập cảnh, kể từ ngày 10/8, Chính phủ Singapore sẽ nối lại việc cấp phép nhập cảnh đối với người nước ngoài có thị thực lao động cùng thân nhân đã tiêm đủ liều vắc xin đến từ những quốc gia có nguy cơ cao về dịch bệnh.
Nhiều lao động nước ngoài từng làm việc tại Singapore đã không thể nhập cảnh vào nước này do các biện pháp kiểm soát dịch vốn được áp dụng từ năm ngoái.
Tuần qua, Nhật Bản là nước dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng trong số các quốc gia hơn một triệu dân, tiêm chủng cho 1,77% dân số mỗi ngày. Theo sau là Panama (1,72%), là Sri Lanka (1,7%), Malaysia (1,61%), Ecuador (1,26%), Trung Quốc (1,22%) và Arab Saudi (1,15%). Mặc dù đang triển khai chậm hơn những nước nêu trên, các quốc gia có chương trình tiêm chủng dẫn đầu thế giới là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với 172 liều trên 100 người, theo sau Israel, Canada, Chile và Singapore, với 133 liều, Đan Mạch 130 liều, Bỉ (128 ) và Anh (126). Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ngày 6/8 công bố nghiên cứu, khẳng định kết quả củng cố khuyến cáo của họ rằng "tất cả người đủ điều kiện cần tiêm vắc xin Covid-19, bất kể họ đã nhiễm Covid-19 hay chưa". Nghiên cứu của CDC Mỹ dựa trên 246 người trưởng thành tại bang Kentucky bị tái nhiễm Covid-19 hồi tháng 5 và tháng 6, dù từng nhiễm vi rút trong năm 2020. Họ được so sánh với nhóm đối chứng gồm 492 người phù hợp về giới tính, tuổi tác và thời gian từng dương tính với Covid-19. Phân tích cho thấy những ai chưa tiêm vắc xin Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm Covid-19 cao gấp 2,34 lần người đã tiêm đủ mũi Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson. |