Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

(VOH) - Ngày 28/6 (theo giờ địa phương), Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Sau cuộc hội đàm 4 bên giữa Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, ngày 28/6 (theo giờ địa phương), Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO và đã ký kết với 2 nước này bản ghi nhớ 3 bên về việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

tho-nhi-ky-dong-y-ung-ho-phan-lan-va-thuy-dien-gia-nhap-nato-voh.com.vn-anh1
Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận với Phần Lan và Thụy Điển về vệc ủng hộ các nước này gia nhập NATO. (Ảnh: Reuters)

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, bản ghi nhớ bao gồm các nội dung như Phần Lan và Thụy Điển sẽ lên án dứt khoát mọi cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cam kết ngăn chặn các hoạt động của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển quyết định tăng cường hợp tác trong việc chống lại các tổ chức khủng bố. Phần Lan và Thụy Điển sẽ nhanh chóng xem xét và giải quyết các yêu cầu về trục xuất hoặc dẫn độ các nghi phạm khủng bố dựa trên những thông tin và bằng chứng do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định ủng hộ chính sách rộng mở của NATO và cho biết sẽ ủng hộ việc mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO tại cuộc họp thượng đỉnh của khối liên minh quân sự này ở Madrid từ ngày 28/6 - 30/6.

Là những đồng minh NATO trong tương lai, Phần Lan và Thụy Điển sẽ không ủng hộ "Phong trào Gulen" cũng như đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và nhóm vũ trang Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

Thụy Điển cho biết một dự luật mới hiệu quả hơn về chống khủng bố sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 và chính phủ sẽ tăng cường luật chống khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển xác nhận việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí giữa ba bên.  

Ngoài ra, bản ghi nhớ cũng nhấn mạnh việc thiết lập một cơ chế hợp tác về chia sẻ thông tin tình báo để chống lại các hoạt động khủng bố và phạm tội có tổ chức; nghiêm cấm các hoạt động gây quỹ và tuyển dụng thành viên mới của PKK và các nhóm có liên quan; cấm tuyên truyền về chủ nghĩa khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ; ủng hộ sự tham gia rộng rãi của Phần Lan và Thụy Điển trong cơ chế an ninh của Liên minh châu Âu (EU) và thiết lập một cơ chế chung thường trực có sự tham gia của cơ quan tư pháp, tình báo và an ninh nhằm giám sát việc thực hiện các nội dung trên.