Ngày 13/6 tại Thụy Điển, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, quy trình để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO phức tạp hơn so với dự kiến, và thời điểm cụ thể để hai nước được gia nhập khối này 'chưa thể xác định'.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã có cuộc gặp với ông Stoltenberg đang ở thăm nước này vào ngày 13/6. Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Stoltenberg nói NATO rất coi trọng những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và các vấn đề khác, đồng thời đang tham vấn chặt chẽ với Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết các vấn đề liên quan.
Ông Stoltenberg nói, trong bối cảnh hiện nay, việc Thụy Điển phát đi tín hiệu về xuất khẩu vũ khí và chống khủng bố là rất quan trọng.
Khi công bố về chính sách đối ngoại mới của chính phủ vào ngày 10/6, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde nói Thụy Điển cam kết đóng góp vào nền an ninh của toàn khối NATO, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tuyên bố về chính sách đối ngoại mới, Thụy Điển có thể "thay đổi các điều kiện về xuất khẩu vũ khí trong phạm vi những quy định của quốc gia" và tuân thủ những quy định của NATO nếu nước này trở thành thành viên NATO.
Tin cho hay, trước khi tới thăm Thụy Điển, ông Stoltenberg đã có chuyến thăm tới Phần Lan vào ngày 12/6 và có cuộc họp báo chung với Tổng thống nước này, ông Sauli Niinisto.
Truyền thông Phần Lan và Thụy Điển đưa tin, tại cuộc họp báo chung, ông Niinisto cho biết Phần Lan sẽ không gia nhập NATO một mình nếu việc gia nhập của Thụy Điển bị trì hoãn.
Về phần mình, ông Jens Stoltenberg cho biết, trước những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO không cho rằng cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của khối này tại Madrid, Tây Ban Nha vào cuối tháng 6 sẽ là thời hạn cuối cùng để chấp nhận tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển.
Xem thêm: NATO nhất trí xây trung tâm vũ trụ mới nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga
Được biết, Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5. Theo quy định, để được kết nạp làm thành viên NATO, họ cần phải nhận được cái 'gật đầu' của tất cả 30 quốc gia thành viên khối này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tuyên bố không ủng hộ tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển trừ khi hai nước này ngừng hỗ trợ các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "khủng bố" hiện diện trên lãnh thổ của họ và dỡ bỏ lệnh cấm bán một số vũ khí cho nước này.