Cùng ngày, Đức cũng tuyên bố tạm ngừng các khoản viện trợ phát triển dành cho Afghanistan.
Tại cuộc họp báo vào ngày 17/8, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, NATO sẽ không tiếp tục hỗ trợ cho chính quyền Afghanistan đã sụp đổ.
Người đứng đầu NATO nói: "Tất nhiên, chúng tôi đã tạm ngừng mọi sự hỗ trợ đối với chính phủ Afghanistan - hỗ trợ về tài chính và khoản hỗ trợ khác - bởi vì chính phủ Afghanistan được NATO hỗ trợ đã không còn tồn tại".
Ông Stoltenberg cũng nói thêm rằng sau khi chính phủ Afghanistan sụp đổ, không có khoản tiền nào được chuyển đến Kabul, cũng không còn sự hỗ trợ nào dành cho Kabul.
Ông cho biết các đồng minh NATO sẽ gửi thêm máy bay đến Afghanistan để hỗ trợ việc sơ tán và kêu gọi Taliban cho phép người dân rời đi.
Ông Stoltenberg nói: "Một chính phủ không tôn trọng các quyền cơ bản của tất cả người dân Afghanistan và khôi phục chế độ cai trị đáng sợ của mình sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị quốc tế cô lập".
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 17/8 cũng cho biết nước này đã ngừng các khoản viện trợ phát triển dành cho Afghanistan.
Khi phát biểu chung với Thủ tướng Estonia Kaja Kallas tại cuộc họp báo ở thủ đô Berlin, bà Merkel cho biết chiếc máy bay thứ 2 của quân đội Đức đã đến Kabul để hỗ trợ việc sơ tán.
Chuyến bay đầu tiên của Đức rời Afghanistan chỉ chở theo 7 người, gồm 5 công dân Đức, 1 công dân thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) và 1 người Afghanistan.
Bà Merkel nói Đức và Estonia đang hợp tác chặt chẽ với EU và NATO. "Đức vẫn muốn giúp đỡ những người đã từng giúp đỡ chúng tôi", bà Merkel nói thêm.
Cũng trong ngày 17/8, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu và là người đứng đầu chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho biết, do Taliban hiện đang nắm quyền kiểm soát Afghanistan, EU buộc phải đàm phán với lực lượng này. Tuy nhiên, EU sẽ chỉ hợp tác với Taliban nếu họ tôn trọng các quyền cơ bản, bao gồm quyền của phụ nữ và ngăn chặn các phần tử khủng bố sử dụng lãnh thổ Afghanistan.
Theo hãng tin Reuters, sau khi ngoại trưởng các nước EU tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn cấp về tình hình Afghanistan vào ngày 17/8, ông Josep Borrell đã có những phát biểu nhằm nêu rõ lập trường của EU trong vấn đề Afghanistan.
"Tôi không nói rằng chúng tôi muốn công nhận Taliban", ông Borelli nói tại một cuộc họp báo. "Tôi chỉ nói rằng chúng ta phải trao đổi với họ về mọi thứ, thậm chí chỉ để bảo vệ phụ nữ và các bé gái. Ngay cả chỉ vì điều này, bạn cũng phải tiếp xúc với họ".
Tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan, Taliban nói rằng họ mong muốn thiết lập quan hệ hòa bình với các nước và sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật Hồi giáo.
Có rất ít chi tiết được đề cập trong tuyên bố của Taliban, nhưng họ đã tìm cách thể hiện bản thân ôn hòa hơn so với khi họ nắm quyền cai trị Afghanistan vào 20 năm trước.
Ông Borelli nói ưu tiên hàng đầu của EU là rút nhân viên EU và những người Afghanistan làm việc cho EU khỏi Kabul.
Ông cũng nói thêm rằng cần phải đối thoại với Taliban càng sớm càng tốt để tránh xảy ra tình trạng khủng hoảng nhân đạo và thảm họa về người di cư.