Giới chức Nga ngày 15/2 cho biết, vài ngày sau khi Mỹ và Anh cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, một số đơn vị quân đội của Nga đang quay trở về căn cứ sau khi kết thúc các cuộc tập trận gần biên giới với Ukraine. Nhưng Ukraine, Anh, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phản ứng một cách thận trọng về thông tin trên của Nga.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu lính Nga đang rút đi và đi được bao xa. Trước đó, ước tính có khoảng 130.000 binh sĩ Nga tập kết tại khu vực miền bắc, miền đông và miền nam Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Chúng tôi luôn khẳng định rằng sau cuộc tập trận, các binh sĩ sẽ trở về căn cứ của họ và lần này cũng như thế".
Ông Peskov cáo buộc Mỹ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng bằng cách liên tục cảnh báo rằng Nga chuẩn bị tấn công Ukraine.
Hiện các quốc gia như Ukraine, Mỹ, Anh và NATO đều phản ứng một cách thận trọng trước thông tin Nga rút quân.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng vẫn còn quá sớm để xác định mức độ giảm leo thang ở Ukraine.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/2 đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Theo quan chức này, hai vị ngoại trưởng đã đồng ý giữ liên lạc trong cuộc điện đàm vào cuối tuần qua.
Ukraine và NATO phản ứng thận trọng
Phát biểu với đài LBC, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết: "Phía Nga nói rằng họ không có kế hoạch cho một cuộc tấn công, nhưng chúng tôi muốn thấy một cuộc rút quân toàn diện để chứng minh điều đó là đúng".
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng đã có dấu hiệu cho thấy Nga cởi mở hơn về mặt ngoại giao, nhưng "thông tin tình báo mà chúng tôi có được vẫn chưa đáng khích lệ".
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định, chỉ khi nào tận mắt chứng kiến quân đội Nga rút đi, nước này mới tin rằng Nga đang hành động để giảm leo thang tình hình.
Hãng thông tấn của Ukraine dẫn lời ông Kuleba nó rằng: "Nếu chúng tôi thấy được việc rút quân, chúng tôi sẽ tin vào khả năng giảm leo thang".
Trong hai ngày qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh những tín hiệu từ Nga rằng một giải pháp ngoại giao có thể đang được tiến hành, nhưng kêu gọi Moscow thể hiện sự chân thành trong hành động.
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng có những dấu hiệu từ Nga cho thấy nước này sẽ tiếp tục con đường ngoại giao. Đây là lý do để NATO lạc quan một cách thận trọng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu giảm leo thang nào từ phía Nga.
Ông cho biết Nga thường để lại các thiết bị quân sự sau các cuộc tập trận, tạo khả năng cho việc tổ chức lại lực lượng.
Các nghị sĩ tại Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ phản ứng một cách thận trọng
Các nghị sĩ tại Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi trước thông tin từ Nga nói rằng nước này đã kết thúc các cuộc tập trận quân sự ở các quân khu phía nam và phía tây và bắt đầu rút một phần binh sĩ về lại căn cứ.
"Tôi nghĩ điều đó thật tuyệt vời, nhưng bạn lại không thể tin tưởng", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc bang Alabama, Tommy Tuberville, nói với các phóng viên bên ngoài phiên điều trần của Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ.
"Tất cả những gì chúng ta biết được cho đến nay là, đó sẽ là quyết định của ông Putin. Bạn không biết liệu ông ấy có cho chúng ta thấy được một sự rút lui nhỏ nhưng đồng thời đang thực hiện các kế hoạch khác hay không, hay liệu ông ấy đang cố gắng phát đi một thông điệp rằng ông ấy quan tâm đến việc đàm phán", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc bang Nam Dakota và cũng là thành viên ủy ban trên, ông Mike Rounds nói.
Ông cũng nói thêm rằng: "Chúng ta hoàn toàn không biết gì. Những gì chúng ta biết được là ông ấy đã tập kết một đội quân lớn, ông ấy đã tỏ ra rõ rằng ông ấy muốn nhượng bộ, nếu không, ông ấy có ý định tấn công".
Ông Rounds nói: "Những gì chúng ta biết là chúng ta phải ở trong tư thế sẵn sàng đáp trả, bằng mọi cách".
Thượng nghị sĩ Josh Hawley thuộc bang Missouri tán thành với quan điểm trên và nói rằng nó "rất nghiêm trọng" và "tình hình đang trong thời điểm mấu chốt".
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal coi đó là một tín hiệu tích cực và nói rằng điều đó chứng tỏ "sự răn đe dường như đang phát huy tác dụng".
Ông Blumenthal nói, Tổng thống Nga Putin đang nhận được thông điệp này và chúng ta không có lý do để từ bỏ một chiến lược dường như đang phát huy hiệu quả.
Đại diện Thường trực của Mỹ tại NATO Julianne Smith nói, điều quan trọng là chúng ta tiến hành xác thực dựa trên những gì chúng ta thấy trong quá khứ, đó là Nga nói giảm leo thang nhưng trên thực tế những gì chúng ta thấy hoàn toàn 'không chứng minh điều đó là sự thật".