Ông Hun Sen bắt đầu chiến dịch tái tranh cử vào ngày 1/7. Ông cho biết sẽ sử dụng ứng dụng Telegram để chuyển các thông điệp chính trị của mình tới những người ủng hộ và sử dụng TikTok để thu hút giới trẻ.
Kênh Telegram của ông hiện có 860.000 người theo dõi và ông đã tăng cường hoạt động trong những tháng gần đây bằng việc đăng ảnh và thông điệp chính trị.
Tài khoản Facebook của ông Hun Sen dường như không còn khả dụng vào tối 29/6. "Tôi đã yêu cầu các trợ lý của mình xóa nó ngay lập tức"- ông Hun Sen nói trên kênh Telegram của mình.
"Từ giờ trở đi, bất kỳ tài khoản Facebook nào có tên Hun Sen đều là giả mạo" - ông nói thêm.
Cùng ngày 29/6, Facebook thông báo sẽ xóa một trong những video của ông Hun Sen theo phán quyết của Ban giám sát độc lập của họ bởi video chứa "những tuyên bố rõ ràng về ý định thực hiện bạo lực" chống lại các đối thủ chính trị của ông.
Trang Facebook của ông Hun Sen - có 14 triệu người theo dõi, được ra mắt vào năm 2015 sau khi các đối thủ của ông, đặc biệt là lãnh đạo phe đối lập đang lưu vong Sam Rainsy - sử dụng nền tảng này để tiếp cận thành công các cử tri trẻ tuổi.
Việc ông Hun Sen rời khỏi Facebook diễn ra khi Hội đồng giám sát của Meta, công ty mẹ của Facebook, đề nghị đình chỉ tài khoản Facebook và Instagram của ông trong 6 tháng do một video trong đó ông đe dọa "bạo lực" các chính trị gia đối lập.
Vào tháng 1, ông cảnh báo những người phản đối rằng, họ sẽ phải đối mặt với hành động pháp lý hoặc bị đánh bằng gậy nếu cáo buộc đảng của ông gian lận phiếu bầu trong các cuộc thăm dò vào tháng 7.
Sebastian Strangio, tác giả cuốn "Hun Sen's Campuchia" cho biết: “Trang mạng xã hội của ông Hun Sen xoay trục sang Telegram và TikTok dường như phản ánh quỹ đạo rộng lớn hơn chính sách đối ngoại của Campuchia trong hai thập kỷ qua: tránh xa phương Tây, hướng tới Trung Quốc và Nga”.
Dựa trên hồ sơ theo dõi của họ, ít có khả năng hai nền tảng này hạn chế ông Hun Sen sử dụng.