Chờ...

Thủ tướng Israel cảnh báo Iran sau vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah

VOH - Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại Lebanon của Israel cho thấy không có địa điểm nào ở Trung Đông nằm ngoài tầm với của Israel.

Ngày 28/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ, khẳng định Israel có khả năng "vươn tới mọi nơi ở Trung Đông", đồng thời cảnh báo Iran về những hành động đáp trả quyết liệt nếu Israel bị đe dọa. Thông điệp này được đưa ra sau vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tại Lebanon – một hành động mà ông Netanyahu gọi là minh chứng cho sức mạnh và tầm với của Israel trong khu vực.

iran_voh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York - Mỹ ngày 27/9. - Ảnh: Reuters

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh rằng việc tiêu diệt Nasrallah không chỉ nhằm gửi thông điệp tới Hezbollah mà còn cảnh báo trực tiếp đến Hamas. Ông Netanyahu tuyên bố thủ lĩnh Hamas, Yahya Sinwar, sẽ phải nhận ra rằng Hezbollah không còn khả năng cứu trợ, từ đó làm tăng cơ hội đưa các con tin Israel ở Gaza trở về an toàn.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 27-9, ông Netanyahu cho rằng những ngày sắp tới sẽ là thời gian khó khăn đối với Israel, nhưng đồng thời nhấn mạnh đây là "bước ngoặt lịch sử" trong cuộc chiến giành lại an ninh và ổn định cho đất nước. Ông khẳng định, Israel sẽ đối mặt với những thách thức lớn và sẽ vượt qua chúng.

Ngoài việc gửi thông điệp đến Hamas, Thủ tướng Netanyahu cũng cảnh báo Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei rằng bất kỳ quốc gia nào muốn đánh bại Israel sẽ phải chịu hậu quả nặng nề. Ông Netanyahu tái khẳng định cam kết của Israel trong việc bảo vệ đất nước và đối phó với các mối đe dọa từ Iran.

Theo các nguồn tin quân sự, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) dường như đang chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ chống lại Hezbollah tại Lebanon. Ông Netanyahu cho biết việc tiêu diệt Nasrallah là điều kiện cần thiết để đưa người dân miền Bắc Israel trở về nhà và thay đổi "cán cân quyền lực" trong khu vực.

Trước tình hình căng thẳng leo thang, Lầu Năm Góc đang xem xét tăng cường binh sĩ và thiết bị quân sự tại khu vực Trung Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã trình bày các phương án hỗ trợ quân sự bổ sung với Tổng thống Joe Biden, nhằm đảm bảo sự sẵn sàng trước những kịch bản có thể xảy ra.

Hiện tại, Mỹ duy trì khoảng 40.000 binh sĩ trong khu vực và có thể sẽ triển khai thêm lực lượng nếu tình hình tiếp tục xấu đi. Tổng thống Biden đã khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với "quyền tự vệ của Israel" trước các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn như Hezbollah, Hamas và Houthi.