Phát biểu cứng rắn được đưa ra, khi Thủ tướng Anwar Ibrahim đi vận động bầu cử tại bang Pahang. Ông nói: “Tôi biết 1 số người đang lợi dụng tình hình bằng cách tích trữ và đầu cơ gạo. Tôi đã nói với Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Mohamad Sabu rằng, những người này, đang mong cầu trục lợi vào thời điểm khó khăn, hãy cẩn thận. Chúng tôi dễ dàng tìm ra bạn là ai, và đừng mong trốn khỏi sự truy cứu pháp luật.”
Người dân Malaysia những ngày qua đổ xô đi mua gạo, khiến các siêu thị trống rỗng không còn hàng để bán. Công ty Bernas của nhà nước chuyên nhập khẩu và phân phối gạo nói rằng, thời gian qua giá gạo nhập khẩu đã tăng 36%, khiến người dân đổ xô tìm gạo ở địa phương với giá thấp hơn.
Malaysia có đạo luật kiểm soát nguồn cung cấp những sản phẩm thiết yếu, quy định bất kỳ ai đầu cơ, tiêu hủy hoặc ngăn cản việc đưa ra thị trường, đều bị coi là phạm tội. Do đó, chủ siêu thị hoặc chủ nhà máy xay sát gạo, nếu bị phát hiện vi phạm, có thể lĩnh án tù.
Thủ tướng Anwar, kiêm Bộ trưởng Tài chính, cũng thông báo trợ cấp thêm 84,72 triệu USD để hỗ trợ giá gạo nhập khẩu, đặc biệt ưu tiên sử dụng trong các cơ quan như bệnh viện, trại dưỡng lão, trường học và lực lượng vũ trang.
Trong khi đó, ông Mohamad Sabu, Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực hôm 2/10 đã công bố 1 số biện pháp can thiệp mạnh mẽ, để hạn chế tác động khi giá gạo tăng cao, như áp trần giá bán ở 2 bang Sabah và Sarawak từ ngày 5/10 tới.
Ngoài ra chính phủ đang thành lập 1 đội đặc nhiệm để thúc đẩy hoạt động sản xuất và phân phối gạo tại địa phương. Đội đặc nhiệm cũng có chức năng tìm ra những vi phạm để xử lý kịp thời.
Chuyên gia Fatimah Mohamed Arshad, thành viên cấp cao tại Viện Dân chủ và Kinh tế Malaysia, kêu gọi chính phủ sử dụng cách tiếp cận theo từng giai đoạn, để thực hiện cải cách cần thiết, nhằm chuyển thị trường sang cơ chế mở, và bãi bỏ quy định nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm.
Bà nói thêm rằng, an ninh về gạo có thể đạt được trong một môi trường cạnh tranh hơn, thay vì các hoạt động độc quyền hiện nay, đồng thời chỉ trích việc gia hạn quyền lực quá lớn của công ty nhà nước Bernas đến năm 2031. Điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm về đầu tư, và ngăn cản các nguồn vốn cho ngành nông nghiệp. Trong khi đó, nông nghiệp đang cần vốn đầu tư hơn bao giờ hết, do thời gian qua đối mặt nhiều khó khăn, như biến đổi khí hậu, lạm phát, và sai lầm trong cơ cấu quản lý.