Chờ...

Thuận lợi và khó khăn của BRICS trong việc mở rộng thêm thành viên

VOH - Ngày 24/8, hội nghị thượng đỉnh BRICS đã bế mạc ở thành phố Johannesburg của Nam Phi. Các quốc gia thống nhất ủng hộ việc mở rộng thành viên của khối. Nhưng điều này liệu có dễ dàng?

Năm 2001, tập đoàn tài chính Goldman Sachs đặt ra từ viết tắt BRIC trong 1 bài phân tích tiềm năng kinh tế của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Khái niệm BRIC bắt đầu được chú ý, nhất là ở 4 quốc gia trên. Năm 2009, 4 quốc gia tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên. Năm 2010, Nam Phi gia nhập, khối đổi tên thành BRICS.

Hội nghị BRICS ở Johannesburg của Nam Phi - Ảnh: DW_80
Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg của Nam Phi - Ảnh: DW

Một số chuyên gia khi đó cho rằng, BRICS có thể nhanh chóng cạnh tranh với G7. Tuy nhiên các diễn biến tiếp theo không phản ánh xu hướng trên. Những năm 2010, kinh tế các nước BRICS tăng trưởng yếu ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Sự liên kết về kinh tế cũng diễn ra chậm. Hội nghị thượng đỉnh BRICS, cùng những thông cáo chung thường rất quan trọng, nhưng phương Tây không quá chú ý.

Từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, sự dịch chuyển địa chính trị diễn ra mạnh mẽ. Nga muốn liên kết sâu hơn với BRICS để mở rộng thị trường. Trung Quốc muốn tận dụng BRICS để nâng cao vai trò đồng Nhân Dân Tệ, cũng như gia tăng ảnh hưởng về kinh tế. Hàng loạt quốc gia đã nộp đơn, hoặc bày tỏ nguyện vọng gia nhập BRICS.

1/ Tiềm năng mở rộng thêm thành viên của BRICS

Ngày 22/8/2023 vừa qua, hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 đã khai mạc tại thành phố Johannesburg của Nam Phi. Tổng thống Cyril Ramaphosa của nước chủ nhà đã đón tiếp Thủ tướng Narendra của Ấn Độ, Tổng thống Lula Da Silva của Brazil và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự trực tuyến. Chủ đề chính của hội nghị năm nay, là bàn về việc mở rộng khối. Ước tính khoảng 40 quốc gia tầm trung, như Argentina hoặc Ả Rập Xê Út, đang mong muốn gia nhập.

BRICS đang thu hút nhiều nước muốn gia nhập - Ảnh: CTGN_45
BRICS đang thu hút nhiều nước muốn gia nhập - Ảnh: CTGN

Gia nhập BRICS được cho là mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia, nhất là thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo các chuyên gia, BRICS mở rộng là 1 thách thức với phương Tây, nhưng không quá nghiêm trọng. Sự thật, BRICS không đồng nhất như G7. Các quốc gia khác nhau về thể chế, mô hình kinh tế và quan điểm chính trị. Một số còn đối đầu. Mặc dù BRICS thường xuyên chỉ trích trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo, nhưng họ vẫn chưa đoàn kết đủ mạnh, để đưa ra giải pháp thay thế.

Giới phân tích cho rằng, BRICS duy trì thường xuyên các cuộc họp, vì nhiều quốc gia tìm thấy chung lợi ích. Ví dụ muốn có 1 nền tảng, 1 cơ chế để chỉ trích các tổ chức gần gũi với phương Tây, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tại hội nghị ở Cape Town tháng 6/2023, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đã phê phán mô hình kinh tế toàn cầu hiện nay, khi nhiều quốc gia chịu sự chi phối của 1 số ít quốc gia. Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt của BRICS. Năm 2001, BRICS chiếm 8% kinh tế toàn cầu. Ngày nay là 26%. Ngược lại, G7 chiếm 63% kinh tế toàn cầu, nay là 43%.

Tính trung bình, GDP của Brazil, Nga và Nam Phi tăng khoảng 1% mỗi năm từ 2013 tới nay. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ khoảng 6%. Việc Brazil là thành viên Mỹ Latinh duy nhất, và Nam Phi là thành viên châu Phi duy nhất, giúp 2 quốc gia tăng vị thế tại khu vực của mình. Sức ảnh hưởng về kinh tế của họ đã vươn mình, từ khi gia nhập BRICS.

Ngoài ra, BRICS cũng trợ giúp nhiều quốc gia thành viên trong lúc bị cô lập. Ví dụ Brazil dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro bị phương Tây xa lánh, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng. Hiện nay, Nga đang cần BRICS hơn bao giờ hết, do phải đối phó hàng loạt lệnh cấm vận kinh tế từ phương Tây. Đại sứ Nga tại Nam Phi từng nói rằng, mục đích của Moscow trong BRICS, là để kết bạn.

Với Trung Quốc, khát khao của họ lớn hơn nhiều. Bắc Kinh muốn kết nạp thêm nhiều thành viên vào BRICS. Việc Mỹ tập hợp đồng minh để bao vây, đang hối thúc Trung Quốc phải có nhiều bạn bè. BRICS là cầu nối gần gũi nhất. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc có thể làm tương tự với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhưng so về quy mô và tầm ảnh hưởng, SCO thua BRICS rất xa.

Tìm kiếm thêm đồng minh là nỗ lực liên tục của Trung Quốc, đặc biệt từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Hiện nay Trung Quốc là nước lớn nhất trong BRICS. Họ chiếm 47% GDP năm 2001. Ngày nay là 70%. Năm 2022, Trung Quốc chiếm 69% tổng thương mại xuất nhập khẩu của khối, tăng từ 55% vào năm 2001.

BRICS chưa công bố danh sách ứng viên gia nhập. Tuy nhiên dựa trên sự gắn kết, ví dụ quan chức quốc gia đó đã tham gia những cuộc họp của khối, thì ít nhất 18 cái tên đã được nêu.

Ví dụ với Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), tham gia BRICS phù hợp với kế hoạch điều chỉnh hướng đi đối ngoại, nhằm cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Bangladesh và Indonesia, những nền dân chủ với dân số đông, tự nhận là không liên kết, muốn gia nhập BRICS để có thêm thị trường xuất nhập khẩu. Tương tự là Ethiopia, Mexico và Nigeria.

Giả sử 18 ứng viên trên đều gia nhập BRICS – dẫu điều này rất khó xảy ra, có lẽ nhóm sẽ cần 1 cái tên khác. Tên hiện tại chỉ đại diện cho 5 quốc gia. Sau khi có thêm 18 thành viên mới là các quốc gia đang phát triển, dân số của BRICS sẽ tăng từ 3,2 tỷ lên 4,6 tỷ, chiếm 58% toàn cầu. Dân số các nước G7 hiện chiếm khoảng 10%. GDP của BRICS sẽ chiếm 34% toàn cầu, vẫn thua G7 nhưng gấp đôi liên minh châu Âu. Tỷ trọng trong thương mại toàn cầu sẽ từ 18% lên 27%. Trung Quốc vẫn là linh hồn của khối. Trung Quốc sẽ chiếm 55% GDP.

Thời gian qua, BRICS ngoài vấn đề kinh tế, đang cố gắng liên kết và hợp tác những khía cạnh khác, như giữa các học giả, đảng cầm quyền, phong trào thanh niên và chuyên gia tư vấn. Tháng 7 vừa qua, hội nghị thượng đỉnh thanh niên BRICS đã được tổ chức tại Nam Phi. Người chủ trì là bộ trưởng thanh niên nước chủ nhà.

Ngoài ra, BRICS đã thành lập 2 ngân hàng, với chức năng từng bước thay thế Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) được thành lập năm 2015, đã cho vay 33 tỷ USD tới gần 100 dự án. Ngoài 5 thành viên, 3 quốc gia bên ngoài đã tham gia NDB là Bangladesh, Ai Cập và UAE. Uruguay có thể sớm là thành viên tiếp theo.

Trên thực tế, số tiền NDB cho vay từ 2015 đến nay, chỉ bằng 30% so với Ngân hàng Thế giới (WB) cam kết trong năm 2021. Theo ông Daniel Bradlow, chuyên gia tại đại học Pretoria ở Nam Phi, Ngân hàng Thế giới có tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn.

2/ Khó khăn của BRICS trong việc mở rộng thành viên

BRICS đã bắt đầu nghiên cứu về việc phát hành đồng tiền chung. Tuy nhiên sau hơn 1 năm, chưa có bước tiến cụ thể nào. Một số chuyên gia giải thích, lý do bởi không ai muốn từ bỏ đồng tiền và tầm ảnh hưởng của mình trong hệ thống thanh toán quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc, đang ngày càng củng cố vai trò trong thương mại toàn cầu.

Một điểm yếu khác là các thành viên BRICS có không ít nghi ngờ lẫn nhau. Nhiều cuộc thăm dò những năm qua cho thấy, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc liên tục tăng trong dân số Hoa Kỳ. Kỳ lạ thay, ở Nam Phi, quan điểm không thân thiện với Trung Quốc cũng tăng lên 40%, so với 35% cách đây 4 năm. Tình hình còn tệ hơn ở Ấn Độ và Brazil. Tại Brazil, số người không thiện cảm với Trung Quốc tăng từ 27% lên 48%. Tại Ấn Độ, con số tăng từ 46% lên 67%. Duy chỉ có ở Nga, số người có quan điểm không thân thiện với Trung Quốc đang giảm.

Với Nam Phi, gia tăng liên kết trong BRICS khiến họ gặp khó khăn trong quan hệ với phương Tây. Đầu 2023, Nam Phi tổ chức tập trận chung với Nga và Trung Quốc, nhân kỷ niệm 1 năm cuộc chiến tại Ukraine. Các nước phương Tây rất tức giận. Một số chuyên gia cảnh báo, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Hiện nay phương Tây vẫn đóng vai trò quan trọng, trong nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Nam Phi. Về thương mại, Nam Phi cũng không thể tách rời phương Tây.

Tổng thống Lula Da Silva của Brazil có cách tiếp cận mềm dẻo. Ông muốn giảm bớt vai trò của Mỹ, khi thường xuyên tố cáo Washington can thiệp nội bộ nước khác. Do vậy, ông rất nhiệt tình với BRICS trong 2 nhiệm kỳ đầu từ 2003 đến 2010. Đến nhiệm kỳ thứ 3 năm 2013, ông hiểu rằng nên cân bằng. Phương Tây hiện là nguồn cung cấp vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vũ khí quan trọng cho Brazil.

Ấn Độ mặc dù vẫn mua vũ khí từ Nga, nhưng đã bắt đầu mua từ Pháp và Mỹ. Sau khi cuộc  chiến ở Ukraine bùng phát, Nga không đủ vũ khí và linh kiện cung cấp cho đối tác. Trong khi đó trên dưới 70% vũ khí Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga.

Cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, các mối quan hệ trong nội bộ BRICS cũng ẩn chứa nhiều phức tạp. Nguyên tắc ban đầu của khối, là chống chủ nghĩa can thiệp của phương Tây, đang được đặt dấu chấm hỏi, khi 1 nước có chủ quyền như Ukraine bị tấn công.

Trước khi hội nghị Johannesburg diễn ra, vấn đề mở rộng thành viên, nội bộ BRICS tồn đọng nhiều khác biệt. Trong khi Trung Quốc và Nga ủng hộ, Brazil lại dè chừng. Tổng thống Lula Da Silva muốn mời những người có cùng chí hướng như Argentina dưới thời Tổng thống Alberto Fernandez – người bạn thân thiết của ông. Ngoại trưởng Mauro Vieira của Brazil từng nói rằng, các thành viên cần bảo vệ thương hiệu BRICS. Tương tự là Nam Phi, họ muốn mình là thành viên duy nhất trong khối đến từ châu Phi. Một quan chức Nam Phi từng nói với báo chí: “Chúng tôi không muốn làm loãng BRICS. Chúng tôi muốn có 1 thỏa hiệp. Ví dụ 5 thành viên đầu tiên có vai trò chính thức. Các quốc gia khác được trao địa vị hạng 2, như quan sát viên.”

Những ngày đầu BRICS thành lập, Ấn Độ hy vọng quan hệ tốt với Nga, sẽ giúp họ quản lý mâu thuẫn với Trung Quốc hiệu quả hơn. Nhưng hiện giờ, Nga đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, do đó, tiếng nói ảnh hưởng tới đất nước tỷ dân ngày càng nhỏ. Nếu kết nạp thêm những nước như Cuba hay Belarus, Ấn Độ lo ngại họ sẽ giống Nga, ngày càng ngả về Trung Quốc.

Theo 1 số chuyên gia, Ấn Độ và Trung Quốc đang cạnh tranh để lãnh đạo các nước đang phát triển. Ấn Độ đã tận dụng vai trò chủ tịch G20 năm 2023, để làm nổi bật mối quan tâm của những nước đang phát triển, về vấn đề kinh tế và biến đổi khí hậu. Ấn Độ không muốn Trung Quốc thay thế dẫn dắt xu hướng này. Tuy nhiên, New Delhi cũng không muốn trở thành người ngáng đường, bởi ước nguyện gia nhập BRICS đến từ nội tại rất nhiều nước, chứ không do bên nào thúc ép. Vì vậy, Ấn Độ đang tiến hành chiến lược thận trọng. Thông cáo chung của hội nghị Johannesburg là minh chứng rõ ràng nhất.

Không ai có thể phủ nhận, BRICS đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt vấn đề toàn cầu, như kinh tế, chính trị, và chống biến đổi khí hậu. Tuy vậy trong nội bộ khối cũng tồn tại không ít khác biệt. Hội nghị Johannesburg đã kết thúc với thông điệp chung, là ủng hộ mở rộng thành viên. Quá trình này sẽ diễn ra trong thực tế như thế nào, chúng ta cùng chờ xem tương lai sắp tới.