Thượng viện Nga cho phép tổng thống sử dụng quân đội ở nước ngoài

(VOH) - Hãng thông tấn Tass cho biết, nghị quyết cho phép tổng thống sử dụng quân đội ở nước ngoài được 153 thượng nghị sĩ thông qua tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Liên bang Nga vào ngày 22/2.

Ngày 22/2, một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine là Donetsk và Lugansk, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) đã đồng ý để ông Putin sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài để đối phó với tình hình ở miền Đông Ukraine. Động thái này được dự báo có thể khiến căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang hơn nữa.

Thượng viện Nga cho phép tổng thống sử dụng quân đội ở nước ngoài và phản ứng của các nước 1
Một nhà máy điện gần thành phố Luhansk bị pháo kích ngày 22/2 sau khi Nga công nhận độc lập của Lugansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine và ra lệnh đưa quân tới khu vực này. (Ảnh: AFP)

Hãng thông tấn Tass cho biết, nghị quyết cho phép tổng thống sử dụng quân đội ở nước ngoài được 153 thượng nghị sĩ thông qua tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Liên bang Nga vào ngày 22/2.

Theo đó, tổng thống được phép sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga bên ngoài lãnh thổ nước này trên cơ sở các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế.

Việc lựa chọn các đơn vị quân đội, địa bàn hoạt động, nhiệm vụ và thời gian ở ngoài lãnh thổ Liên bang Nga đều do tổng thống quy định theo Hiến pháp Liên bang Nga.

Ngay sau đó, ông Putin đã nêu 3 điều kiện để chấm dứt cuộc khủng hoảng. Ông kêu gọi quốc tế công nhận Crimea là một phần của Liên bang Nga, chấm dứt tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine và ngừng vận chuyển vũ khí tới nước này.

Các nước phương Tây liên tục lên án việc Nga sáp nhập Crimea là vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời bác yêu cầu của Nga về việc cấm vĩnh viễn Ukraine gia nhập liên minh NATO.

Trong những tuần lễ vừa qua, các cường quốc phương Tây đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất giữa Nga và Ukraine, cam kết sẽ trừng phạt nghiêm khắc và ngay lập tức nếu Nga tấn công Ukraine.

Ngày 22/2, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã có những phản ứng mạnh mẽ trước những động thái mới nhất của Nga nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu.

Thượng viện Nga cho phép tổng thống sử dụng quân đội ở nước ngoài và phản ứng của các nước 2
Xe tăng di chuyển trên đường phố Donetsk ngày 22/2 sau khi Tổng thống Nga Putin công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Đức đã có bước đi lớn đầu tiên khi quyết định dừng quá trình phê duyệt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức qua Biển Baltic.

Trong khi đó, Anh tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 5 ngân hàng và 3 cá nhân Nga.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết  27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt sơ bộ đối với các quan chức Nga vì những việc làm của họ ở Ukraine.

Người đứng đầu về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết gói trừng phạt mới được thông qua hôm 22/2 sẽ gây tổn hại lớn đối với nước Nga.

Ông khẳng định, các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến các thành viên Hạ viện Nga và các cá nhân khác liên quan đến quyết định cho phép triển khai quân đội Nga tới các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine.

Ông Borrell cho biết những người có tên trong danh sách trừng phạt đầu tiên gồm 351 thành viên Hạ viện Nga (Duma Quốc gia) đã bỏ phiếu ủng hộ việc công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine, cùng với 27 quan chức Nga trong lĩnh vực ngân hàng và quốc phòng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ gây khó khăn nhất có thể để Điện Kremlin khó có thể theo đuổi các chính sách cấp tiến của họ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 21/2 đã tuyên bố trừng phạt Nga sau khi ông Putin tuyên bố công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine.