Lãnh đạo Mỹ - Nga đồng ý về mặt nguyên tắc tổ chức họp thượng đỉnh

(VOH) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý “về mặt nguyên tắc” tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận các vấn đề về Ukraine.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, hội nghị thượng đỉnh nói trên do Pháp đề xuất tổ chức sau các cuộc điện đàm trao đổi kéo dài nhiều giờ đồng hồ giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh chỉ được diễn ra khi Nga không tấn công Ukraine, và được kỳ vọng sẽ cơ hội đề ra được các giải pháp ngoại giao khả thi để giải quyết các vấn đề xung quanh căng thẳng ở Ukraine - một trong những khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.

Theo thông tin từ Văn phòng của Tổng thống Pháp Macron, chi tiết của hội nghị thượng đỉnh giữa hai vị Tổng thống Biden và Putin sẽ được thảo luận trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào thứ Năm tuần này.

Trước đó, các quan chức Mỹ tiết lộ nguồn tin tình báo cho rằng Nga đã sẵn sàng để tiến hành hành động quân sự ở Ukraine, tuy nhiên Moscow luôn phủ nhận các thông tin này.

Nhà Trắng cũng cho rằng Nga có vẻ “đang tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhanh chóng và toàn diện vào Ukraine”, và Mỹ thì đã sẵn sàng “áp dụng những biện pháp trừng phạt và đáp trả quan trọng” nếu điều đó xảy ra.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng mục đích của các biện pháp trừng phạt trước hết là nhằm ngăn chặn Nga không đi tới chiến tranh và một khi kích hoạt những biện pháp trừng phạt đó thì việc ngăn chặn cũng không còn.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Ngoại trưởng Blinken rằng vẫn còn “con đường ngoại giao” để ngăn chặn bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine. 

Công ty Maxar của Mỹ cho biết hình ảnh thu thập từ vệ tinh cho thấy nhiều thiết bị quân sự bọc thép và binh lính đã được triển khai từ các khu vực đồn trú của Nga nằm gần biên giới với Ukraine, cho thấy sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

Lãnh đạo Mỹ - Nga đồng ý về mặt nguyên tắc tổ chức họp thượng đỉnh về vấn đề Ukraine
Hình ảnh do vệ tinh thu thập được cho thấy nhiều thiết bị quân sự và binh lính đã được triển khai ở Nga gần biên giới với Ukraine. Ảnh: Maxar/Reuters

Phía Mỹ ước tính Nga đã cho tập trung số lượng binh lính lên đến 190.000 người xung quanh Ukraine, bao gồm cả các lực lượng ly khai vùng Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Pháp Macron, ông Putin đã đồng ý về sự cần thiết “ưu tiên giải pháp ngoại giao” đối với vấn đề Ukraine, và tất cả sẽ cùng nỗ lực để tiến hành một cuộc họp nhằm mục đích tiến tới một lệnh ngừng bắn.

Tổng thống Nga Putin cho rằng quân đội Ukraine đã có động thái leo thang căng thẳng - theo tin từ Điện Kremlin. Phía Ukraine phủ nhận việc này, và nói rằng Moscow đang tiến hành một chiến dịch khiêu khích để tạo cớ can thiệp.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng cam kết của Tổng thống Nga Putin với người đồng cấp Pháp Macron đã cho thấy tín hiệu lạc quan rằng Putin vẫn đang “tìm kiếm giải pháp ngoại giao”. Tuy nhiên, ông Johnson cũng kêu gọi ông Putin hãy “lùi một bước trước tình thế đầy đe dọa như hiện tại và rút quân khỏi biên giới Ukraine”.

Lãnh đạo Mỹ - Nga đồng ý về mặt nguyên tắc tổ chức họp thượng đỉnh về vấn đề Ukraine
Sơ đồ các khu vực đóng quân của Nga xung quanh biên giới Ukraine, cập nhật đến ngày 20/2/2022. Nguồn: Maxar/BBC

Trước đó, Nga tuyên bố đợt tập trận mở rộng tại Belarus, nơi 30.000 binh sĩ Nga đã được triển khai, đã kết thúc vào Chủ nhật ngày 20/2. Tuyên bố từ phía Belarus cho rằng “tình hình xấu đi” ở miền đông Ukraine là một trong những nguyên nhân khiến đợt tập trận phải kéo dài.