Tin thế giới 21/11: IAEA cảnh báo nguy cơ hạt nhân; G7 kêu gọi LHQ phản ứng Triều Tiên phóng tên lửa

(VOH) - Một số thông tin khác: Đức cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ba Lan sau vụ nổ do tên lửa ‘đi lạc’; cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin giành thêm sự ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử ở Malaysia.

Đức cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho Ba Lan sau vụ nổ do tên lửa ‘đi lạc’

Ngày 20/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết Đức sẽ cung cấp cho Ba Lan các máy bay chiến đấu Eurofighters và hệ thống tên lửa Patriot để tăng cường phòng không sau khi một tên lửa gặp sự cố rơi xuống nước này, gây ra vụ nổ khiến 2 người thiệt mạng vào tuần trước.

Giới chức phương Tây nhận định, quả tên lửa rơi xuống Ba Lan dường như là tên lửa phòng không của Ukraine đi lạc, chứ không phải là do Nga bắn ra.

Vụ nổ cũng cho thấy lỗ hổng về phòng không của NATO. Trước đó vào tháng 10, hơn 10 nước NATO do Đức dẫn đầu đã khởi động sáng kiến mua sắm chung các hệ thống phòng không. Sáng kiến này đến trong bối cảnh Ukraine - quốc gia đang hứng chịu các đòn tập kích dồn dập của Nga - cũng rất cần các lá chắn phòng không. Nó đặt ra thách thức cho NATO trong việc vừa bảo đảm viện trợ cho Ukraine, vừa duy trì lá chắn bảo vệ cho chính các quốc gia thành viên.

Tin thế giới sáng 21/11
Một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: EPA

Bầu cử Malaysia: Cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin giành thêm sự ủng hộ

Cựu Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 20/11 đã nhận được sự ủng hộ từ 2 chính đảng khi ông tìm cách thành lập Chính phủ mới, sau cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội ở nước này hiện không có chính đảng nào chiếm đa số. Tuy nhiên, ông Muhyiddin Yassin vẫn chưa giành được đa số phiếu ủng hộ cần thiết.

Lãnh đạo phe đối lập lâu năm Anwar Ibrahim cũng đang chạy đua để giành được sự ủng hộ từ các nhóm khác. Các đảng phái đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ những phe phái khác để xây dựng một liên minh đa số nhằm thành lập chính phủ. Quốc vương Malaysia có thể chỉ định một nghị sỹ làm Thủ tướng, nhân vật mà ông cho rằng sẽ giành được đa số phiếu ủng hộ trong Quốc hội nước này.

Tin thế giới sáng 21/11
Cựu Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ngày 20/11/2022. Ảnh: Reuters

Các nước G7 kêu gọi phản ứng mạnh mẽ từ Liên Hiệp Quốc trước các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Ngoại trưởng các nước G7 gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Đức, Anh, Pháp và Italy ngày 20/11 đồng loạt kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) cần có động thái phản ứng mạnh mẽ trước vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây nhất của Triều Tiên.

Phía Triều Tiên ngày 18/11 đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng bay đến tận lãnh thổ Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ “phản ứng gay gắt hơn bằng quân sự” nếu Mỹ tăng cường hiện diện an ninh ở khu vực cùng các đồng minh, nói rằng Washington "đang chơi canh bạc mà họ sẽ phải hối tiếc”.

Tuyên bố chung của G7 cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên ngày 18/11 là “hành động liều lĩnh” và “vi phạm nghiêm trọng” các nghị quyết của LHQ. Trong khi đó, theo yêu cầu từ phía Mỹ, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 21/11 cũng sẽ có cuộc họp về vấn đề trên.

Tin thế giới sáng 21/11
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên do Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 19/11/2022.

IAEA cảnh báo về pháo kích tại nhà máy điện hạt nhân Ukraine

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lên án cuộc pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, cảnh báo nó có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân lớn.

Trước đó, các thanh sát viên IAEA báo cáo hơn chục vụ nổ do đạn pháo đã làm rung chuyển nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhi ở Ukraine vào tối 19/11 và ngày 20/11. Một số tòa nhà, hệ thống và thiết bị tại nhà máy đã bị hư hại, song chưa đe dọa an toàn hạt nhân của cơ sở.

Nhà máy Zaporizhzhia cung cấp khoảng 1/5 lượng điện cho Ukraine trước xung đột với Nga và đã nhiều lần phải vận hành bằng các máy phát điện dự phòng. Nhà máy có 6 lò phản ứng làm mát bằng nước do Liên Xô thiết kế.

Tin thế giới sáng 21/11
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine hồi tháng 10. Ảnh: Reuters

Các lò phản ứng tại nhà máy đã ngừng hoạt động, nhưng nhiên liệu hạt nhân vẫn có nguy cơ tan chảy nếu hệ thống làm mát bị mất điện và ngừng hoạt động. Các cuộc pháo kích đã khiến nguồn điện cung cấp cho hệ thống làm mát của nhà máy nhiều lần bị cắt.

Bình luận