Tin thế giới sáng 3/11: Hàn Quốc "đáp trả" Triều Tiên; Nga nối lại thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine

(VOH) - Ba Lan dựng hàng rào biên giới với Nga, Nội chiến Ethiopia - Các bên đồng ý đình chiến để chấm dứt tình trạng thù địch… là những thông tin đáng chú ý.

Triều Tiên phóng thử 23 tên lửa, Hàn Quốc lập tức đáp trả

Ngày hôm qua, căng thẳng quân sự lại gia tăng tại Bán đảo Triều Tiên khi hai quốc gia lần lượt bắn thử tên lửa trong một loạt động thái đáp trả lẫn nhau. Triều Tiên đã bắn tổng cộng 23 tên lửa đạn đạo, trong đó có một tên lửa đã hạ cánh gần vùng biển của Hàn Quốc khiến 9.000 cư dân trên đảo phải sơ tán đến các nơi trú ẩn dưới lòng đất.

Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để khiến Mỹ và Hàn Quốc "phải trả cái giá khủng khiếp nhất trong lịch sử" nếu Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục tập trận chung.

Tin thế giới sáng 03/11: Hàn Quốc
Những vụ phóng tên lửa đã liên tục diễn ra ở Triều Tiên trong thời gian gần đây. (ABC News)

Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết: “Kể từ khi hai miền chia cắt, đây là lần đầu tiên có một tên lửa của Triều Tiên rơi gần vùng biển của chúng tôi như vậy”. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ra lệnh cho quân đội đảm bảo rằng Triều Tiên sẽ phải trả giá cho hành động khiêu khích của mình. Trong một động thái trả đũa, Hàn Quốc đã nhanh chóng đáp trả bằng cách phóng tên lửa đất đối không của mình vào một khu vực tương tự.

Nga quay lại tham gia thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine

Các nỗ lực về ngoại giao đã cứu vãn được thỏa thuận cho phép ngũ cốc và hàng hoá rời khỏi Ukraine và tiếp cận thị trường. Thỏa thuận này đạt được sau khi Ukraine cam kết không sử dụng hành lang biển Đen để tấn công các lực lượng của Nga. Tuy nhiên, tổng thống Nga đe dọa rằng nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận một lần nữa nến Kyiv vi phạm giao kèo của mình.

Nhà lãnh đạo cũng Nga ca ngợi những nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ để đưa thỏa thuận trở lại đúng hướng ban đầu, cũng như tính trung lập trong toàn bộ cuộc xung đột của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực của ông trong việc “đảm bảo lợi ích của các nước nghèo nhất”.

Ba Lan dựng hàng rào biên giới với Nga

Binh sĩ Ba Lan đã bắt đầu dựng hàng rào kẽm gai dọc biên giới Ba Lan với vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga  để ngăn chặn điều mà họ lo ngại có thể trở thành một cuộc khủng hoảng di cư.

Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak cho biết quyết định gần đây của cơ quan hàng không Nga về việc triển khai các chuyến bay từ Trung Đông và Bắc Phi đến Kaliningrad đã khiến ông phải gia cố đường biên giới dài 210 km của Ba Lan với Kaliningrad. Ông Blaszczak cho biết hàng rào dọc biên giới sẽ được làm bằng ba hàng dây kẽm gai cao hơn 2,5  mét, rộng 3 mét, có hệ thống giám sát điện tử và camera.

Ảnh: Binh sĩ Ba Lan khẩn trương dựng hàng rào kẽm gai. (AP)
Binh sĩ Ba Lan khẩn trương dựng hàng rào kẽm gai. (AP)

Trước đây, khu vực biên giới thưa thớt dân cư này vẫn được tuần tra nhưng không có hàng rào vật lý. Ở phía nam, biên giới của Ba Lan với Belarus đã trở thành nơi xảy ra cuộc khủng hoảng di cư lớn vào năm ngoái, với số lượng lớn người từ Trung Đông nhập cảnh bất hợp pháp. Các nhà lãnh đạo Ba Lan và các nước EU khác cáo buộc chính phủ Belarus là chủ mưu cuộc di cư để tạo ra hỗn loạn và chia rẽ trong khối 27 quốc gia.

Châu Âu là châu lục chịu nhiều ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu

Theo báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới, khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng, châu Âu sẽ trở thành châu lục ấm lên nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Báo cáo của WMO được đưa ra trước hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu của LHQ ở Ai Cập, và là một trong chuỗi các báo cáo trong nhiều tuần qua cho thấy thế giới đang đi chệch hướng trong các mục tiêu khí hậu của mình.

Tin thế giới sáng 03/11: Hàn Quốc
Những đám cháy rừng lớn ở Châu Âu là một trong những tác nhân ảnh hưởng đến môi trường (CNN)

Nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,2 độ kể từ cuộc cách mạng công nghiệp và các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nhiệt độ này nên được giới hạn ở mức 1,5 độ để tránh những tác động nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Một số lục địa đang cảm thấy nhiệt độ tăng nhiều hơn những lục địa khác. Nhiệt độ ở châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong 30 năm qua - với tốc độ khoảng 0,5 độ C mỗi thập kỷ.

Nội chiến Ethiopia: Các bên đồng ý đình chiến để chấm dứt tình trạng thù địch

Ngày hôm qua, một đặc phái viên của Liên minh châu Phi cho biết các bên tham chiến của Ethiopia đã chính thức đồng ý chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch, mang lại hy vọng cuộc chiến kéo dài hai năm khiến hàng triệu người phải di tản và đe dọa mất ổn định một vùng lục địa sẽ chấm dứt.

Ông Olusegun Obasanjo, Tổng thống Nigeria cho biết các điểm chính trong thỏa thuận mới bao gồm việc khôi phục luật pháp và trật tự, cũng như khôi phục các dịch vụ và không cản trở việc tiếp cận nguồn hỗ trợ nhân đạo. Việc loại bỏ tất cả các chướng ngại vật đối với việc vận chuyển thực phẩm và thuốc men vào Tigray sẽ được nhiều nhà quan sát coi là một bước đột phá. 6 triệu cư dân của Tigray đã phải hứng chịu sự phong tỏa kể từ đầu cuộc chiến, với viện trợ nhân đạo hạn chế khiến đời sống của họ trở nên cơ cực hơn bao giờ hết.

Ngày nay năm ấy (3/11): SOS được chính thức chọn làm tín hiệu báo sự cố

Vào ngày 3 tháng 11 năm 1906, Công ước Máy đo vô tuyến điện quốc tế đã chính thức xác nhận tiêu chuẩn toàn cầu cho ký hiệu SOS. Các tàu thuyền gặp tai nạn cần sử dụng tín hiệu SOS dưới dạng mã Morse trên để nhận được sự trợ giúp.