Chờ...

Tin thế giới sáng 1/7: Liên Hiệp Quốc kết thúc sứ mệnh hòa bình ở Mali | Mỹ tái gia nhập UNESCO

VOH - Một số thông tin khác: Vận động viên Nga nghi làm gián điệp bị bắt ở Ba Lan; Nga và Iran thông báo mở thêm nhiều đường bay trực tiếp.

Mỹ chính thức tái gia nhập UNESCO

Ngày 30/6, tại phiên họp toàn thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), các nước thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ sự tham gia trở lại của Mỹ, với 132 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 15 phiếu trắng.

Như vậy, Mỹ đã chính thức tái gia nhập UNESCO sau 6 năm vắng mặt. 

Mỹ là một thành viên sáng lập UNESCO, cũng là nhà đóng góp chính cho ngân sách của cơ quan này trong suốt nhiều năm. Năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ, cùng với Israel, rút khỏi UNESCO, với lý do tổ chức này thiên vị và chống lại nhà nước Do Thái. Quyết định này có hiệu lực từ năm 2018.

Tin thế giới sáng 1/7: Liên Hiệp Quốc kết thúc sứ mệnh hòa bình tại Mali | Mỹ tái gia nhập UNESCO
Trụ sở của UNESCO tại Paris, Pháp - Ảnh: Getty Images

Vận động viên Nga nghi làm gián điệp bị bắt ở Ba Lan

Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro ngày 30/6 thông báo nước này đã bắt giữ "một điệp viên đội lốt vận động viên khúc côn cầu, đang thi đấu cho một câu lạc bộ hạng nhất". 

Theo cá công tố viên Ba Lan, vận động viên người Nga nói trên nhận tiền để tham gia một số hoạt động do thám, trong đó có xác định các hạ tầng quan trọng. Phía Ba Lan cho biết với cáo buộc tham gia mạng lưới gián điệp, người bị bắt có thể đối mặt với án tù 10 năm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Moskva sẽ cung cấp tất cả hỗ trợ cần thiết cho vận động viên khúc côn cầu. "Chúng tôi kịch liệt phản đối động thái này và yêu cầu Ba Lan lập tức giải thích đầy đủ cho phía Nga", bà Zakharova nói.

Tin thế giới sáng 1/7: Liên Hiệp Quốc kết thúc sứ mệnh hòa bình tại Mali | Mỹ tái gia nhập UNESCO
Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Zbigniew Ziobro - Ảnh: Reuters

Liên Hiệp Quốc kết thúc sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mali

Ngày 30/6, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chấm dứt sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài một thập kỷ ở Mali (MINUSMA).

Mối quan hệ của Mali với Liên Hiệp Quốc đã xấu đi nghiêm trọng kể từ cuộc đảo chính năm 2020 khiến một chế độ quân sự lên nắm quyền, chế độ này cũng cắt đứt hợp tác quốc phòng với Pháp. 

Vào 2 tuần trước, chính quyền quân sự của Mali đã đột ngột yêu cầu lực lượng 13.000 người của sứ mệnh rời đi "không chậm trễ". Theo hãng tin Reuters, những hạn chế của chính phủ đã cản trở hoạt động này kể từ khi Mali hợp tác với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner từ năm 2021.

Tin thế giới sáng 1/7: Liên Hiệp Quốc kết thúc sứ mệnh hòa bình ở Mali | Mỹ tái gia nhập UNESCO
Quân nhân gìn giữ hòa bình thuộc phái bộ MINUSMA ở Mali - Ảnh: MINUSMA

Nga và Iran thông báo mở thêm nhiều đường bay trực tiếp

Nga và Iran đã nhất trí mở thêm nhiều đường bay trực tiếp giữa các thành phố.

Người đứng đầu Tổ chức Hàng không dân dụng Iran (CAO), Thứ trưởng Bộ Phát triển đô thị và đường sá, ông Mohammad Mohammadi Bakhsh, cho biết Nga và Iran đã thống nhất mở thêm nhiều đường bay giữa hai quốc gia.  

Tin thế giới sáng 1/7: Liên Hiệp Quốc kết thúc sứ mệnh hòa bình ở Mali | Mỹ tái gia nhập UNESCO
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp các nhà lãnh đạo Iran tại Tehran vào mùa hè năm 2022 - Ảnh: Reuters

Ông Bakhshquan cho biết thêm cả hai nước cũng đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác về huấn luyện phi công, sửa chữa và bảo dưỡng máy bay. Hai bên cũng công nhận các tiêu chuẩn hàng không của nhau.

Sau khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây tương tự như những lệnh trừng phạt đối với Iran, mối quan tâm hợp tác giữa hai nước bắt đầu được tăng cường và mở rộng.