Nancy Pelosi tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện Mỹ
Bà Nancy Pelosi - người đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong suốt gần 20 năm qua - vừa tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ.
Bà Pelosi năm nay 82 tuổi và là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào vị trí này trong lịch sử chính trường Mỹ. Sau khi kết thúc vai trò người đứng đầu Hạ viện, bà vẫn tiếp tục là đại diện bang California tại cơ quan lập pháp này.
“Tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ từ một người nội trợ trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ… Tôi sẽ không tái tranh cử lãnh đạo đảng Dân chủ vào khóa tới. Đã đến lúc đảng Dân chủ được dẫn dắt bởi dàn lãnh đạo thế hệ mới”, bà Pelosi phát biểu ngày 17/11. Bà sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2023.
Trước đó, đảng Cộng hòa đã giành chiến thắng sít sao trước đảng Dân chủ trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Hạ viện khi đạt được 218 ghế tối thiểu. Ông Kevin McCarthy của đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ là người kế nhiệm bà Nancy Pelosi. Ngày 15/11, ông đã được đảng Cộng hòa bầu chọn làm lãnh đạo tại Hạ viện.
Vụ máy bay MH-17 bị bắn rơi: 3 người bị kết án tù chung thân vì tội danh giết người
Trong phiên xét xử vắng mặt 4 nghi phạm bị cáo buộc liên quan đến thảm kịch máy bay chở khách mang số hiệu MH-17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi khi bay qua miền đông Ukraine vào năm 2014, khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, một tòa án Hà Lan đã kết án tù chung thân 3 người với tội danh giết người.
Công tố viên cho biết 3 trong 4 nghi phạm bị tuyên án gồm 2 cựu đặc vụ tình báo Nga Igor Girkin và Sergey Dubinskiy và 1 công dân Ukraine tên Leonid Kharchenko. Nghi phạm thứ 4 là công dân Nga tên Oleg Pulatov được tuyên trắng án. Trước đó, tất cả bị cáo buộc giúp sắp xếp và vận chuyển hệ thống tên lửa BUK, loại bắn hạ máy bay, từ căn cứ quân sự Nga vào Ukraine.
Tòa cũng tuyên bố tên lửa bắn hạ MH-17 do Nga sản xuất và do lực lượng vũ trang ly khai mà Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine gây ra. Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin và Báo chí của Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechaev cho biết sẽ xem xét thông tin này của tòa án Hà Lan trước khi đưa ra bình luận nào.
Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo, dọa đáp trả “dữ dội” Mỹ và đồng minh
Ngày 17/11, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo và cảnh báo sẽ “phản ứng gay gắt hơn bằng quân sự” nếu Mỹ tăng cường hiện diện an ninh ở khu vực cùng các đồng minh, nói rằng Washington "đang chơi canh bạc mà họ sẽ phải hối tiếc”.
Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa đạn đạo được phóng từ thành phố duyên hải Wonsan của Triều Tiên. Đây là một trong hàng loạt vụ phóng tên lửa mà Triều Tiên thực hiện trong năm nay để đáp trả đợt tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc.
Vụ phóng diễn ra chưa đầy 2 giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui chỉ trích hội nghị thượng đỉnh 3 bên của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc gần đây, với nội dung chỉ trích các vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng và cam kết tăng cường hợp tác an ninh. Trong tuyên bố chung sau hội nghị, cả 3 nước thống nhất rằng nếu Bình Nhưỡng nối lại hoạt động thử hạt nhân sẽ vấp phải “phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết”.
Indonesia: Hai công ty dược phẩm nghi liên quan đến nhiều trẻ tử vong
Ngày 17/11, Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) thông báo 2 công ty dược phẩm nước này nghi có liên quan đến phân phối thuốc siro khiến nhiều trẻ em bị tổn thương thận cấp tính.
Giám đốc BPOM Penny K Lukito cho biết hai công ty dược phẩm PT Yarindo Farmatama và PT Universal Pharmaceutical đang bị điều tra về hoạt động cung cấp dược phẩm dạng siro ho khiến cho nhiều trẻ em sau khi sử dụng bị mắc chứng tổn thương thận cấp tính.
Bà Penny cũng cho biết BPOM cũng đang tiến hành điều tra 2 công ty dược phẩm khác là PT Samco Farma và PT Ciubros Farma. BPOM đang thu thập các mẫu vật phẩm từ các nhân chứng và phối hợp với các bộ phận chức năng của Bộ Y tế để đưa ra quyết định cuối cùng.
Châu Âu cảnh báo siêu vi khuẩn kháng thuốc gia tăng hậu Covid-19
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 17/11 ra thông báo về sự gia tăng nhanh chóng các ca bệnh có liên quan đến siêu vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện hậu Covid-19.
Ông Dominique Monnet thuộc ECDC cho biết các ca bệnh nói trên xuất phát từ khu vực chăm sóc đặc biệt (ICU) tại các bệnh viện, sau đó lan nhanh ra nhiều nước trên khắp châu Âu.
Một số nhà khoa học nhận định, việc kê đơn thuốc kháng sinh rộng rãi và các bệnh truyền nhiễm khác lây chéo lẫn nhau trong thời gian dài bệnh nhân phải nằm lại viện điều trị Covid-19 có liên quan đến việc gia tăng số lượng người mắc vi khuẩn siêu kháng thuốc.
Tình trạng kháng kháng sinh được đánh giá đang ngày càng trầm trọng trên toàn thế giới và gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng. Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, bệnh nhân còn phải đối mặt với khả năng trong tương lai sẽ không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả ngay cả đối với những bệnh nhiễm khuẩn đơn giản nhất. Vi khuẩn đa kháng thuốc đang trở thành đại dịch âm thầm diễn ra trên toàn cầu. Nếu không có giải pháp can thiệp phù hợp, bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong hàng loạt vì không còn thuốc chữa.