Iraq cảnh báo cắt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển
Ngày 20/7, Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani đã chỉ thị Đại sứ Thụy Điển phải rời Iraq. Theo văn phòng Thủ tướng Iran, quyết định của Baghdad là do Stockholm nhiều lần cho phép tổ chức các cuộc biểu tình trong đó có hoạt động đốt kinh Koran và đốt quốc kỳ Iraq.
Iraq tuyên bố đã "thông báo cho chính phủ Thụy Điển rằng nếu việc đốt Kinh Koran còn tái diễn trên đất Thụy Điển, kịch bản này có thể dẫn đến việc cắt đứt quan hệ ngoại giao".
Iraq cũng đình chỉ giấy phép hoạt động của gã khổng lồ viễn thông Thụy Điển Ericsson.
Kinh Koran được xem là cuốn sách linh thiêng với Hồi giáo. Vì vậy, động thái của Thụy Điển đã khiến nhiều nước đạo Hồi phản đối.
Tại Iraq, hàng trăm người biểu tình đã xuất hiện trước Đại sứ quán Thụy Điển tại Baghdad và phoáng hỏa công trình này. Phía Thụy Điển cáo buộc chính quyền Baghdad đã không thực hiện trách nhiệm bảo vệ đại sứ quán theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.
Chính phủ Iraq lên án mạnh mẽ vụ đốt cơ quan ngoại giao của Thụy Điển, tuyên bố đây là hành vi vi phạm an ninh và cam kết bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao.
Nga bác cáo buộc muốn tấn công tàu dân sự ở Biển Đen
Ngày 20/7, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov khẳng định Moscow không chuẩn bị để tấn công tàu dân sự ở Biển Đen như cáo buộc mà Mỹ đưa ra, nhấn mạnh đây là sự quy chụp "hoàn toàn sai sự thật".
Ông Antonov bình luận sau phát biểu cùng ngày của phó thư ký báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton, nói rằng Mỹ "quan ngại sâu sắc" về tình hình Biển Đen lúc này. Bà Dalton cho rằng Nga có thể mở rộng các đợt tập kích vào Ukraine và nhằm vào cả tàu vận tải dân sự.
Trước đó vào ngày 17/7, Nga tuyên bố dừng gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen - thỏa thuận vì cho rằng những điều khoản liên quan tới quyền lợi nước này không được thực hiện, đồng thời cho biết vẫn có thể xem xét quay lại thỏa thuận khi các điều kiện liên quan đến Nga được thực thi với kết quả cụ thể, chứ không phải chỉ là "cam đoan" hay "hứa hẹn".
Microsoft đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền của châu Âu
Các nhà quản lý châu Âu chuẩn bị mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với gã khổng lồ công nghệ Microsoft, sau khi đối thủ Alfaview của Đức đệ đơn khiếu nại liên quan tới việc Microsoft gộp chung ứng dụng video Teams vào các sản phẩm Office của hãng.
Đây là lần thứ hai Microsoft lọt vào tầm ngắm của các cơ quan thực thi cạnh tranh Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, vào năm 2020, ứng dụng nhắn tin không gian làm việc Slack, thuộc sở hữu của Công ty Salesforce, từng lên tiếng về việc gã khổng lồ công nghệ Mỹ gắn ứng dụng Team vào phần mềm Office.
FED triển khai hệ thống thanh toán tức thời
Ngày 20/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã triển khai hệ thống thanh toán tức thời FedNow vốn được mong đợi từ lâu và đã được nhiều quốc gia áp dụng.
Với FedNow, FED hy vọng hệ thống hệ thống này sẽ thuyết phục được người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ dần bỏ thói quen thanh toán bằng tiền mặt và séc (cheque) vốn đang phổ biến trên cả nước. FED cũng khẳng định hệ thống mới sẽ cho phép thanh toán nhanh hơn.
FED cho biết đến nay mới có khoảng 35 trong tổng số hơn 4.000 ngân hàng tại Mỹ đăng ký tham gia hệ thống FedNow, trong đó có một số ít ngân hàng cho vay lớn như JP Morgan và Wells Fargo. Tuy nhiên, FED tin tưởng số ngân hàng sử dụng FedNow sẽ tăng dần khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhận ra tiện ích của việc sử dụng dịch vụ này.