Tin thế giới sáng 22/11: Nga cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân; Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc

(VOH) - Một số thông tin khác: Hàn Quốc công bố nội dung ‘Kế hoạch táo bạo’ với Triều Tiên; Nhật Bản đẩy mạnh sản xuất chip nội địa.

Nga cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tại nhà máy Zaporizhzhia

Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nga (Rosatom) Alexei Likhachev ngày 21/11 lên tiếng cảnh báo nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng sau cuộc pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine. Rosatom cũng đã làm việc với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về vấn đề này.

IAEA từng kêu gọi thiết lập vùng đệm an toàn quanh nhà máy, nhưng giám đốc Likachev cho rằng điều này chỉ có thể diễn ra nhận được sự đồng thuận của Mỹ, và cho rằng Mỹ không nên trì hoãn nếu không muốn một sự cố hạt nhân xảy ra. Ông cũng cáo buộc chính phủ Ukraine sẵn sàng "chấp nhận một sự cố hạt nhân nhỏ" tại khu vực. 

Tin thế giới sáng 22/11
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine hồi tháng 10/2022. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc công bố nội dung ‘Kế hoạch táo bạo’ với Triều Tiên

Ngày 21/11, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố những mục tiêu và nguyên tắc để xúc tiến "Kế hoạch táo bạo" trong chính sách với Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol.

Thông cáo báo chí của bộ trên cho biết Hàn Quốc sẽ kiến tạo môi trường để Triều Tiên tự khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với tầm nhìn là “Bán đảo Triều Tiên không hạt nhân, hòa bình và thịnh vượng”.

Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết thêm nếu Bình Nhưỡng thực sự quay trở lại bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Tin thế giới sáng 22/11
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên do Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 19/11/2022.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo số ca mắc mới Covid-19 ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 20/11 là 24.730 ca. Nước này cũng ghi nhận 3 ca tử vong đầu tiên trong vòng 6 tháng qua vì Covid-19.

Phó Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Bắc Kinh Liu Xiaofeng cho biết tính đến chiều ngày 21/11, thành phố này ghi nhận 316 ca mắc mới Covid-19. Theo ông, thủ đô Bắc Kinh đang đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Trước tình hình trên, chính quyền bắc Kinh đã ban hành quy định mới, theo đó người đến Bắc Kinh sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày trong 3 ngày đầu và phải đợi cho đến khi có kết quả mới được rời khỏi nhà hoặc nơi lưu trú. Quy định này có hiệu lực từ ngày 22/11.

Trong phiên giao dịch ngày 21/11, thị trường chứng khoán và giá dầu mỏ châu Á đã ngập sắc đỏ khi các nhà đầu tư lo ngại kinh tế suy giảm do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc.

Tin thế giới sáng 22/11
Chính quyền chỉ thị phong tỏa nhiều quận ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Ảnh: BBC

Nhật Bản đẩy mạnh sản xuất chip nội địa

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) vừa công bố chiến lược sản xuất chip tiên tiến nội địa thông qua việc thành lập liên doanh giữa 8 công ty hàng đầu của Nhật Bản, trong đó có Toyota Motor Corp., Sony Group Corp. và SoftBank Corp.

Trong đó, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu sản xuất các loại chip nội địa có kích thước 2nm trong thời gian từ nay tới cuối thập niên này. Để thực hiện mục tiêu, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ trợ cấp 70 tỷ yen (khoảng 494 triệu USD) cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Tin thế giới sáng 22/11
Nhật Bản đặt mục tiêu duy trì 10% thị phần thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh minh họa.

METI thừa nhận rằng Nhật Bản đã tụt hậu 10 năm so với các đối thủ toàn cầu như Mỹ, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan và một số quốc gia châu Âu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Theo METI, thị phần của Nhật Bản trên thị trường chất bán dẫn thế giới đã giảm từ mức 50% (năm 1990) xuống còn 10% hiện nay. Mục tiêu của METI là duy trì 10% thị phần còn lại này đến năm 2030. Chính sách mới để đẩy nhanh tốc độ sản xuất chip nội địa được xem là sứ mệnh quốc gia, không kém phần quan trọng so với việc đảm bảo thực phẩm và năng lượng tại Nhật Bản.