Dòng người di cư đổ về Mỹ tăng kỷ lục
Những ngày gần đây, hàng ngàn người di cư đã và đang trên đường đến Mỹ tăng cao kỷ lục, trải dài từ bang California đến Texas, chưa bao gồm một số lượng lớn người di cư đang tiến về biên giới Mỹ và Mexico bằng xe buýt và các loại phương tiện khác.
Sự gia tăng đáng kể dòng người đổ về dọc khu vực biên giới - đặc biệt là ở San Diego, California và các thành phố El Paso và Eagle Pass của Texas - có thể tạo ra những thách thức mới cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trong mùa bầu cử tới.
Trước đó vào tháng 5, chính quyền Tổng thống Biden đã ban hành chính sách mới nhằm ngăn cản hoạt động vượt biên bất hợp pháp, trong đó bao gồm trục xuất người di cư vi phạm và cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 5 năm. Tuy nhiên hiệu quả của những biện pháp này không kéo dài lâu và lại khiến làn sóng di cư tăng trở lại.
Một số chuyên gia nhận định, Mỹ đã đề ra được chiến lược hiệu quả nhưng không có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược đó, như thiếu các biện pháp quản lý tại chỗ, không giam giữ hoặc kiểm soát được hết số người di cư bất hợp pháp ở biên giới. Kết quả là rất nhiều người di cư lại được trả tự do vào Mỹ khi chờ ngày ra tòa thay vì bị trục xuất ngay lập tức.
Ấn Độ ngừng cấp thị thực cho công dân Canada
Ấn Độ đã bắt đầu dừng cấp thị thực nhập cảnh (visa) cho công dân Canada từ ngày 21/9, áp dụng cho tất cả các loại thị thực, kể cả thị thực điện tử; đồng thời yêu cầu Canada giảm hiện diện ngoại giao ở nước này.
Việc đình chỉ cấp thị thực cho một quốc gia phương Tây là điều chưa từng xảy ra tại Ấn Độ, do đó quyết định lần này của Ấn Độ được đánh giá là động thái thể hiện sự leo thang mạnh mẽ trong căng thẳng giữa hai nước, đánh dấu mức thấp nhất trong quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Canada.
Lý do Ấn Độ đưa ra là nhân viên lãnh sự quán của họ ở Canada đã gặp phải các mối đe dọa an ninh, song phía quốc gia Bắc Mỹ lại không có hành động gì cụ thể.
Phát biểu tại New Delhi, ông Arindam Bagchi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: "Do chính phủ Canada không hành động, tình hình an ninh đã tạo ra một số gián đoạn và chúng tôi buộc phải đình chỉ dịch vụ cấp thị thực."
Căng thẳng ngoại giao giữa Ấn Độ và Canada nổ ra sau khi Thủ tướng Justin Trudeau cáo buộc chính phủ Ấn Độ có liên quan đến vụ sát hại Hardeep Singh Nijjar - công dân Canada và là thủ lĩnh người Sikh. Ông Singh bị Ấn Độ coi là kẻ khủng bố đang bị truy nã. Phía New Delhi bác bỏ, gọi đây là cáo buộc "vô lý".
Indonesia: Nổ tại bệnh viện gần thủ đô Jakarta
Cảnh sát Indonesia ngày 21/9 cho biết đã một vụ nổ đã xảy ra tại bệnh viện Eka nằm ở khu vực Serpong, gần thủ đô Jakarta của nước này, và đội gỡ bom mìn đã được nhanh chóng triển khai đến hiện trường.
Theo trang tin Detik.com, kết quả điều tra ban đầu cho thấy nguyên nhân gây nổ có thể xuất phát từ một máy phát điện bị quá tải trong phòng chụp X quang của bệnh viện.
Tuy nhiên, đây vẫn là những nhận định đầu tiên và phía cảnh sát vẫn chưa công bố thêm thông tin hay xác nhận nguyên nhân chính xác của vụ nổ.
Ba Lan điều tra OpenAI sau những khiếu nại về quyền riêng tư
Cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân Ba Lan (UODO) sẽ điều tra OpenAI - công ty tạo ra chatbot ChatGPT được Microsoft hậu thuẫn, liên quan đến việc ChatGPT vi phạm luật bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU), còn được biết đến với tên gọi GDPR (quy định chung về bảo vệ thông tin).
Trước đó tại Mỹ, OpenAI cũng phải đối mặt với ít nhất một vụ kiện tại tòa án Liên bang Mỹ ở San Francisco do cáo buộc vi phạm luật về quyền riêng tư.
Ngoài các vụ kiện về quyền riêng tư, các công ty công nghệ gồm Microsoft, OpenAI, Google và Stability AI gần đây cũng vướng phải các rắc rối pháp lý do đã "cắt xén" các tài liệu có bản quyền và dữ liệu cá nhân từ khắp nơi trên Internet để luyện cho các hệ thống AI do các công ty này phát triển.