Iran tuyên bố làm giàu uranium 60% để đáp trả nghị quyết của IAEA
Ngày 22/11, thông báo trên trang web của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết nước này đã bắt đầu tiến trình làm giàu hạt nhân tại nhà máy Fordow dưới lòng đất gần thành phố Qom ở miền Bắc Iran. Đây là lần đầu tiên Iran tiến hành tinh chế uranium ở cấp độ tinh khiết lên đến 60% và là động thái đáp trả một phần nghị quyết do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa thông qua chống Tehran.
Tuần trước, IAEA đã thông qua một nghị quyết do các nước phương Tây đề xuất, cáo buộc Iran đang che giấu một số nhà máy hạt nhân và yêu cầu Tehran hợp tác điều tra. Phía Iran bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng cáo buộc mang “động cơ chính trị.” Đặc phái viên của Iran tại IAEA Mohsen Naziri-Asl nhấn mạnh chính quyền Iran tin chắc rằng nghị quyết sẽ không đem lại kết quả và chỉ nhằm biện minh cho các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Tehran.
Nga thông báo đẩy lùi thành công 2 cuộc tấn công nhằm vào Crimea
Ông Mikhail Razvozhaev, thị trưởng thành phố Sevastopol ở Bán đảo Crimea cho biết, lực lượng không quân Nga ngày 22/11 đã bắn hạ 2 thiết bị bay không người lái tấn công Crimea. Trong đó, một vụ nhằm vào cơ sở nhiệt điện ở Balaklava và một vụ bị đẩy lùi ở ngoài khơi bán đảo Crimea. Ông cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và cho biết không xảy ra thiệt hại nào.
Ông Razvozhaev khẳng định tuy Sevastopol - nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga - hiện vẫn đang yên tĩnh, “nhưng toàn bộ lực lượng đều đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu”.
Hàn Quốc thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn tên lửa L-SAM
Ngày 22/11, Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc (ADD) cho biết đã thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn tên lửa L-SAM. Đây là yếu tố quan trọng trong lá chắn phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Hàn Quốc mang tên “Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Hàn Quốc” (KAMD).
L-SAM, hay “Tên lửa đất đối không tầm xa”, được thiết kế nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo ở độ cao 50 - 60km, tương tự như Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc.
Cơ quan Phát triển Quốc phòng Hàn Quốc lên kế hoạch hoàn thành việc phát triển hệ thống L-SAM vào năm 2024 để bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2026 và triển khai sớm nhất là vào năm 2027.
Ấn Độ nâng cấp giáo dục thông qua 5G
Phát biểu sau khi khởi động chương trình “Trường học xuất sắc” (MSE) của chính quyền bang Gujarat, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, dịch vụ viễn thông 5G sẽ đưa hệ thống giáo dục của nước này lên tầm cao mới.
Theo Thủ tướng Ấn Độ, học sinh giờ đây có thể trải nghiệm thực tế ảo, internet vạn vật và các công nghệ tiên tiến khác trong trường học với sự trợ giúp của mạng 5G. Ông ủng hộ việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương để đảm bảo những người không biết tiếng Anh không bị bỏ lại phía sau.
Theo kế hoạch của MSE, chính quyền bang Gujarat sẽ xây dựng 50.000 phòng học mới và chuyển đổi gần 1.000 phòng học hiện có của các trường do chính phủ điều hành thành phòng học thông minh sử dụng công nghệ 5G. Nhờ đó, các giáo viên có thể truyền đạt kiến thức theo thời gian thực cho một số trường học ở các làng thông qua hình thức trực tuyến. Học sinh sẽ được làm quen với các môn học như công nghệ robot từ sớm. Phần lớn các lớp học sẽ được hỗ trợ công nghệ và hầu hết sử dụng một số loại hình học tập ảo, sử dụng hội nghị truyền hình hoặc các nền tảng khác. Công nghệ 5G sẽ mang đến cho học sinh những trải nghiệm học tập sống động, theo thời gian thực.