Iran tuyên bố phát triển tên lửa hành trình tầm xa
Ngày 24/2, trên kênh truyền hình quốc gia, Tư lệnh Lực lượng Không gian vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Amir Ali Hajizadeh cho biết nước này đã phát triển tên lửa hành trình tầm xa Paveh, với tầm hoạt động lên đến 1.650 km - tức đủ khả năng vươn tới mọi mục tiêu của Mỹ và Israel đặt tại Trung Đông.
Một số hình ảnh đầu tiên của tên lửa Paveh cũng được phát trên truyền hình. Trước đó vào đầu tháng 2, nước này cũng tuyên bố phát triển thành công tên lửa hành trình tầm xa Kheibarshekan sử dụng nhiên liệu rắn, khả năng bay cơ động và có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện có ở khu vực.
Iran đã mở rộng các chương trình phát triển tên lửa, đặc biệt là tên lửa đạn đạo, bất chấp sự phản đối và quan ngạo của Mỹ và các nước châu Âu. Phía Tehran nhiều lần khẳng định các chương trình phát triển vũ khí của nước này này chỉ nhằm mục đích tự vệ và cảnh báo đối phương.
EU thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào tối muộn ngày 24/2 đã thống nhất thông qua gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga, nhân sự kiện đánh dấu xung đột Nga - Ukraine kéo dài tròn một năm.
Gói trừng phạt mới trước đó đã gây chia rẽ giữa các nước thành viên EU. Trong khi Italy và Đức ủng hộ đề xuất miễn trừ lệnh cấm nhập khẩu đối với cao su tổng hợp của Nga, Ba Lan là quốc gia đi đầu nhóm phản đối đề xuất này. Theo quan điểm của Ba Lan việc miễn trừ sẽ khiến các biện pháp trừng phạt trở nên vô nghĩa.
Đại diện Thụy Điển - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, cho biết đây là gói trừng phạt mạnh mẽ và có phạm vi áp dụng sâu rộng nhất từ trước đến nay của EU, đồng thời khẳng định các nước EU luôn sát cánh cùng đất nước và người Ukraine.
Gói trừng phạt thứ 10 được đề xuất của EU đối với Nga sẽ tập trung vào việc dừng bán các mặt hàng công nghệ cao có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí. Danh sách đen xuất khẩu bao gồm thiết bị điện tử, laser, thiết bị vô tuyến, phần mềm, hệ thống điện tử hàng không, máy ảnh hàng hải và khoáng sản đất hiếm, cũng như các thành phần cụ thể khác được sử dụng trong công nghệ nano.
Mỹ - Hàn diễn tập về mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên
Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức diễn tập theo hình thức thảo luận bàn tròn tại Lầu Năm Góc, tập trung mô phỏng kịch bản Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân.
“Dựa trên chính sách gần đây và những tiến bộ về năng lực hạt nhân của Triều Tiên, kịch bản tập trận thảo luận tập trung vào khả năng nước này dùng vũ khí hạt nhân”, trích tuyên bố của Lầu Năm Góc.
"Phái đoàn Mỹ và Hàn Quốc chú trọng tới khả năng răn đe của liên minh, nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, cũng như các phương án đáp trả việc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân", tuyên bố cho biết thêm, không đề cập cụ thể về kịch bản.
Ngày 24/2, hãng thông tấn KCNA tuyên bố Triều Tiên đã bắn thử 4 tên lửa hành trình chiến lược "Hwasal-2" từ khu vực thành phố Kim Chaek, tỉnh Hamgyong Bắc ra ngoài khơi bờ biển phía Đông của Triều Tiên.
Đồng ruble của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng
Trong phiên giao dịch ngày 24/2, tỷ giá đồng ruble của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, trong bối cảnh phương Tây tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moskva.
Giá trị đồng ruble giảm 0,1% so với đồng USD, tỷ giá ở mức 75,11 ruble/USD, trước đó có lúc giảm xuống mức 75,55 ruble/USD và đây là mức thấp nhất kể từ ngày 25/4/2022.
So với các đồng ngoại tệ khác như euro và nhân dân tệ, đồng ruble giảm lần lượt 0,1% và 0,5%, tỷ giá còn 79,51 ruble/euro và 10,85 ruble/nhân dân tệ.
Một năm sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, đồng ruble đang dần lấy lại đà phục hồi để trở về mức trước tháng 2/2022. Kinh tế Nga vẫn được duy trì ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn mà phương Tây áp đặt đối với nước này, song chưa thể trở lại mức phát triển trước đây do chính phủ tăng chi tiêu cho quốc phòng.