Hamas thả tiếp con tin trong ngày thứ hai ngừng bắn
Tối 25/11 (giờ địa phương), phong trào Hồi giáo Hamas ra tuyên bố cho biết đã tiếp tục trao trả các con tin gồm người Israel và công dân nước ngoài cho tổ chức Chữ thập Đỏ, theo thỏa thuận ngừng bắn trước đó với Israel.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết đã có 17 con tin được thả, gồm 13 người Israel và 4 công dân Thái Lan. Những người này đã được đưa đến Ai Cập và đang trên đường tới Israel.
Cơ quan quản lý nhà tù của Israel hôm 25/11 cho biết họ đang chuẩn bị trả tự do cho thêm 42 tù nhân Palestine.
Có khả năng gia hạn lệnh ngừng bắn của Israel và Hamas
Ngày 25/11, quan chức cấp cao của Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập Diaa Rashwan cho biết các bên đang thảo luận gia hạn thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, đồng thời tăng số lượng con tin và tù nhân trao đổi trong những ngày tới.
Truyền thông Israel dẫn nguồn thạo tin cho biết đàm phán "có dấu hiệu tích cực", và thỏa thuận ngừng bắn có thể được gia hạn khoảng một đến hai ngày.
Cùng ngày, phái đoàn Qatar cũng đã đến Israel để đàm phán gia hạn ngừng bắn và hỗ trợ điều phối thực thi thỏa thuận, đảm bảo quá trình trao đổi người giữa Israel và Hamas diễn ra suôn sẻ.
Rơi máy bay cỡ nhỏ ở Áo, 4 người thiệt mạng
Chiều 25/11 (giờ địa phương), một máy bay cỡ nhỏ bay từ Cộng hòa Séc đến Croatia thì gặp sự cố và rơi xuống vùng núi Kasberg ở Áo.
Theo hãng thông tấn APA của Áo, chiếc máy bay gặp nạn là loại máy bay một động cơ Rockwell Commander 112B, đang trên đường từ thị trấn Pribram miền trung Cộng hòa Séc đến thị trấn Medulin miền Nam Croatia thì bị rơi.
Hiện vẫn chưa xác định được danh tính các nạn nhân và cảnh sát đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Ấn Độ ra quy định mới chống công nghệ deepfake
Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Liên bang Ấn Độ cho biết sẽ ban hành bộ quy định mới để đối phó với công nghệ deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo - AI để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật, để bắt chước giọng nói và gương mặt của người). Công nghệ này thường được dùng vào mục đích xấu hoặc để truyền bá thông tin sai lệch.
Theo quy định mới, trách nhiệm giải trình deepfake sẽ thuộc về cả người sáng tạo và nền tảng mà nội dung đó được lưu trữ. Những người này cũng sẽ bị chịu phạt nếu vi phạm.
Ttrong vòng 10 ngày tới, cơ quan chức năng sẽ xác định các nội dung có thể xử lý, thuộc 4 mảng chính gồm phát hiện các hành vi giả mạo, ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch, tăng cường cơ chế báo cáo và nâng cao nhận thức của người dân.