Tin thế giới sáng 26/11: NATO tập trận ở Ba Lan; Mỹ ra lệnh cấm mới với các công ty Trung Quốc

(VOH) - Một số thông tin quốc tế khác: Đức thảo luận với đồng minh về triển khai tên lửa Patriot tại Ukraine; Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế.

NATO tập trận ở Ba Lan

Ngày 25/11, các lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham gia tập trận TUMAK-22 ở Suwalki Gap, Ba Lan. Đây là khu vực dân cư thưa thớt của Ba Lan, có vị trí chiến lược quan trọng nằm giữa Belarus và vùng Kaliningrad của Nga. Khu vực trọng yếu này được xem là "cơn ác mộng' của NATO nếu Nga nắm quyền kiểm soát, vì khi đó các quốc gia vùng Baltic sẽ bị cô lập hoàn toàn với các nước còn lại của NATO ở châu Âu. 

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết, cuộc tập trận TUMAK-22 có sự tham gia của 2.000 binh sĩ lục quân và không quân, đồng thời triển khai hơn 1.000 thiết bị hỗ trợ chiến đấu và hậu cần.  

Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc và Ba Lan vừa hứng chịu một vụ nổ do sự cố tên lửa từ xung đột này gây ra, nước này hiện đang tăng cường các lực lượng vũ trang và lên kế hoạch tăng ngân sách cho chi tiêu quốc phòng lên thêm 3% GDP.

Tin thế giới sáng 26/11: NATO tập trận ở Ba Lan; Mỹ ra lệnh cấm mới với các công ty Trung Quốc
Khu vực Suwalki Gap là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nguồn: AFP

Đức thảo luận với đồng minh về triển khai tên lửa Patriot tại Ukraine

Đức thông báo đang thảo luận với đồng minh về đề nghị triển khai tên lửa phòng không Patriot của họ tới Ukraine do Ba Lan đưa ra. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak rằng Đức nên đưa các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine thay vì Ba Lan.

Hồi đầu tuần, Đức đề nghị triển khai các tổ hợp phòng thủ tên lửa, trong đó có Patriot, tới Ba Lan để giúp nước này tăng cường năng lực phòng không sau vụ tên lửa rơi vào một ngôi làng gần biên giới Ukraine ngày 15/11.

Ba Lan ban đầu chấp nhận đề xuất triển khai tên lửa Patriot của Đức, song sau đó đề nghị bố trí chúng tại Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 24/11 cho biết việc triển khai các hệ thống phòng thủ của NATO, trong đó có tên lửa phòng không Patriot, ra ngoài lãnh thổ của liên minh phải được tất cả quốc gia thành viên đồng ý.

Tin thế giới sáng 26/11: NATO tham gia tập trận ở Ba Lan; Mỹ ban lệnh cấm mới với các công ty công nghệ Trung Quốc
Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Đức tại căn cứ không quân Sliac của Slovakia. Ảnh: Reuters

Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế

Ngày 25/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương - PBOC) thông báo sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,25 điểm phần trăm đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện nhằm duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, dồi dào và giảm chi phí tài chính.

PBOC cho biết việc cắt giảm RRR sẽ có hiệu lực kể từ ngày 5/12, áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%. Quyết định này có khả năng "giải phóng" 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 70,09 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn.

Ngoài ra, PBOC khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, tăng cường hỗ trợ nền kinh tế thực, tránh các biện pháp kích thích kinh tế ồ ạt và sử dụng tốt hơn các công cụ chính sách tiền tệ để điều chỉnh mức lưu thông tiền tệ và hệ thống tiền tệ.

Mỹ cấm các thiết bị mới ra mắt của Huawei và ZTE vì lý do an ninh

Chính quyền Tổng thống Joe Biden yêu cầu cấm các thiết bị viễn thông từ do các công ty công nghệ Trung Quốc sản xuất, trong đó có Huawei và ZTE. Lý do được đưa ra là vì những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ khi những thiết bị này được lưu hành rộng rãi.

Ngoài ra, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) ngày 25/11 cho biết cơ quan này vừa thông qua một số quy định, trong đó có việc cấm bán hoặc nhập khẩu vào Mỹ các thiết bị do các công ty Trung Quốc sản xuất, trong đó có các công ty sản xuất thiết bị giám sát như Dahua Technology, Hangzhou Hikvision Digital Technology và công ty viễn thông Hytera Communications.

Tin thế giới sáng 26/11: NATO tham gia tập trận ở Ba Lan; Mỹ ban lệnh cấm mới với các công ty công nghệ Trung Quốc
Huawei và nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc tiếp tục nhận lệnh cấm mới của Mỹ. Ảnh: Reuters

Đây là động thái mới nhất của Washington trong việc hạn chế hoạt động của các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc vì những lo ngại phía Bắc Kinh có thể sử dụng những doanh nghiệp này là công cụ để dọ thám nước Mỹ.

Bình luận