Nepal công bố nguyên nhân vụ rơi máy bay khiến 72 người thiệt mạng
Sau gần một năm kể từ ngày xảy ra vụ rơi máy bay của hãng hàng không tư nhân Yeti Airlines khiến 72 người chết ở Nepal, hội đồng điều tra của nước này đã công bố nguyên nhân gây tai nạn là do phi công thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật, ngắt nhầm làm mất sức đẩy động cơ, khiến động cơ "chạy không tải và không tạo ra lực đẩy" và bị rơi sau đó.
Máy bay gặp nạn là một chiếc ATR-72 của Yeti Airlines. Máy bay gặp sự cố và rơi xuống hẻm núi ngay trước khi hạ cánh xuống thành phố du lịch Pokhara vào ngày 15/1/2023. Toàn bộ 72 người trên máy bay không còn ai sống sót.
Đây là vụ tai nạn máy bay thảm khốc nhất Nepal kể từ năm 1992, khi một chiếc Airbus A300 của Pakistan International Airlines đâm vào sườn núi khi chuẩn bị hạ cánh tại Kathmandu, khiến tất cả 167 người thiệt mạng.
Mỹ, Mexico nhất trí duy trì mở cửa khẩu, giải quyết vấn đề người di cư
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí duy trì việc mở cửa các khẩu biên giới giữa hai nước trong nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư. Trước đó, một số cửa khẩu đường sắt chủ chốt giữa hai nước đã tạm thời bị đóng cửa nhằm ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt tràn vào Mỹ.
Thông tin trên được công bố sau cuộc gặp giữa ông Obrador với phái đoàn cấp cao của Mỹ, gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas và Cố vấn An ninh Nội địa Nhà Trắng Elizabeth Sherwood-Randall.
Mexico và Mỹ cũng nhất trí thành lập ủy ban chung chuyên trách giải quyết vấn đề người di cư, cùng phối hợp hỗ trợ cải thiện phát triển kinh tế trong khu vực và tăng cường đối thoại với các quốc gia có đông người di cư. Hai nước cũng bàn biện pháp đối phó với hoạt động của các băng nhóm buôn bán ma túy trái phép từ Mexico vào Mỹ.
Qatar hủy án tử hình với 8 cựu quân nhân Ấn Độ
Ngày 28/12, Bộ Ngoại giao Ấn Độ thông báo tòa án phúc thẩm ở Qatar đã ra phán quyết giảm án, hủy bản án tử hình đối với 8 cựu sĩ quan hải quân New Delhi. Những người này bị bắt tại Doha vào tháng 8/2022.
Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết 8 quân nhân Ấn Độ dường như bị cáo buộc làm gián điệp cho Israel, nhưng phía Ấn Độ và Qatar chưa xác nhận thông tin này.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa tiết lộ mức án hoặc hình phạt mới mà những 8 cựu quân nhân sẽ phải đối mặt. New Delhi từ chối bình luận thêm về vụ việc "do tính chất bí mật và nhạy cảm của thủ tục tố tụng".
Hàn Quốc: Nếu bị khiêu khích sẽ "đáp trả trước, báo cáo sau"
Ngày 28/12, trong chuyến thăm một đơn vị quân đội tiền tuyến, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã lệnh cho quân đội: "Trong trường hợp (đối phương) có hành động khiêu khích, tôi yêu cầu các bạn đáp trả ngay lập tức, rồi báo cáo sau."
Ông Yoon nói thêm rằng hành động đáp trả như vậy là cần thiết để "đập tan ý đồ khiêu khích của đối phương".
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đề cập đến Triều Tiên, cảnh báo Triều Tiên có thể thực hiện các hành động khiêu khích bất cứ lúc nào và là quốc gia duy nhất trên thế giới có quyền tấn công hạt nhân phủ đầu theo hiến pháp.
Trước đó vào ngày 27/12, hơn 1.000 quân nhân, cảnh sát và nhân viên cứu hộ của Hàn Quốc đã tham gia một cuộc diễn tập phòng vệ trong tình huống giả định Triều Tiên tấn công Seoul.