Tin thế giới sáng 30/12: Máy bay Trung Quốc - Mỹ áp sát ở Biển Đông; Chính phủ mới Israel hoạt động

(VOH) - Một số thông tin khác: Nga sẽ đóng thêm 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân; Mỹ duy trì chính sách nhập cư thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Máy bay quân sự Trung Quốc áp sát máy bay không quân Mỹ trên Biển Đông

Ngày 29/12, đại diện quân đội Mỹ cho biết một máy bay quân sự của Trung Quốc đã áp sát một máy bay thuộc lực lượng không quân Mỹ ở vùng không phận quốc tế trên Biển Đông.

Trong thông cáo của quân đội Mỹ, hai máy bay nói trên được xác định là tiêm kích J-11 của Hải quân Trung Quốc và máy bay quân sự RC-135 của Không quân Mỹ. Theo đó, sự việc xảy ra vào ngày 21/12 vừa qua. Với phạm vi 2 máy bay cách nhau chỉ khoảng 3 mét, máy bay Mỹ đã buộc phải thực hiện các thao tác cần thiết để tránh va chạm.

Phía Mỹ cho rằng cuộc “chạm trán” lần này xảy ra thể hiện xu hướng hành động ngày càng mang tính nguy hiểm của các máy bay quân sự Trung Quốc trong thời gian gần đây.

“Chúng tôi mong muốn tất cả các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sử dụng vùng không phận quốc tế một cách an toàn, tuân thủ theo luật pháp quốc tế”, trích thông cáo của Mỹ.

Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C chưa đưa ra phản hồi về sự việc.

Tin thế giới sáng 30/12: Máy bay quân sự Trung Quốc và Mỹ áp sát trên Biển Đông; Chính phủ mới của Israel đi vào hoạt động
Tiêm kích J-11 của Hải quân Trung Quốc áp sát máy bay quân sự RC-135 của Không quân Mỹ vào ngày 21/12/2022. Ảnh: Bộ Tư lệnh Mỹ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương/Reuters

Ông Benjamin Netanyahu tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Israel

Ngày 29/12, ông Benjamin Netanyahu đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng của Israel. Ông sẽ lãnh đạo một chính phủ được cho là cực hữu nhất trong lịch sử nước này.

Trước đó, cùng ngày, Quốc hội Israel đã phê chuẩn danh sách Nội các mới của ông với 63 phiếu ủng hộ trong tổng số 120 phiếu.

Như vậy, ông Benjamin Netanyahu, 73 tuổi, sẽ trở lại cương vị Thủ tướng Israel trong nhiệm kỳ thứ sáu mang tính lịch sử trong suốt thời gian hoạt động chính trị của ông. Ông là Thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất Israel với hơn 15 năm cầm quyền. 

Tân Thủ tướng Israel nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của ông sẽ là "ngăn cản nỗ lực phát triển kho vũ khí hạt nhân của Iran" và "đảm bảo ưu thế quân sự của Israel trong khu vực". Nhưng ông cũng bày tỏ hy vọng "mở rộng vòng hòa bình với các nước Arab" sau các thỏa thuận bình thường hóa do Mỹ làm trung gian với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Morocco.

Tin thế giới sáng 30/12: Máy bay quân sự Trung Quốc và Mỹ áp sát trên Biển Đông; Chính phủ mới của Israel đi vào hoạt động
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong lễ tuyên thệ ngày 29/12/2022. Ảnh: BBC

Nga sẽ đóng thêm 4 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân

Ngày 29/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong khuôn khổ chương trình vũ khí hiện tại, Nga sẽ chế tạo thêm 4 tàu ngầm chạy bằng hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh của đất nước trong nhiều năm tới.

Phát biểu trên được ông Putin đưa ra khi tham dự lễ thượng cờ bằng hình thức trực tuyến trên các tàu được phiên chế cho Hải quân Nga và lễ hạ thủy tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Imperator Alexander III.

Ông Putin lưu ý rằng các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo của Nga đang được thiết kế và chế tạo có nhiều đặc điểm độc nhất vô nhị.

Hiện Nga có hơn 60 tàu ngầm, trong đó có 12 tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa đạn đạo (SSBN) và 9 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình (SSGN).

Mỹ duy trì chính sách nhập cư thời cựu Tổng thống Donald Trump

Với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Tòa án tối cao Mỹ đã ra phán quyết giữ nguyên một chính sách nhập cư được ban hành trong thời kỳ đại dịch Covid-19, theo đó cho phép các cơ quan chức năng nước này nhanh chóng trục xuất những người di cư bị bắt giữ tại biên giới với Mexico.

Theo CNN, chính sách nói trên, được gọi là “Điều khoản 42”, theo lẽ đã hết hiệu lực vào ngày 21/12 vừa qua theo phán quyết của một tòa án liên bang hồi tháng 11. Tuy nhiên, ngày 19/12, một nhóm tổng chưởng lý của 19 bang đã kháng nghị phán quyết này lên tòa án tối cao, đề nghị giữ nguyên hiệu lực của Điều khoản 42. Các tổng chưởng lý này cho rằng, việc bãi bỏ Điều khoản 42 có thể làm gia tăng số lượng người di cư tại các cửa khẩu biên giới, vốn đã lên đến mức kỷ lục trong thời gian qua.

Bình luận