Tin thế giới sáng 30/3: LHQ thông qua nghị quyết quan trọng | Bắt 500kg ma túy ở Philippines

(VOH) - Một số thông tin khác: Vương quốc Anh sẽ ký gia nhập CPTPP trong tuần này; Rwanda dùng máy bay không người lái chống bệnh sốt rét.

Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết quan trọng về khí hậu

Ngày 29/3, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) "làm rõ nghĩa vụ của các quốc gia theo luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm bảo vệ hệ thống khí hậu". ICJ cơ quan pháp lý quốc tế cao nhất của Liên Hiệp Quốc.

Nghị quyết cũng đề nghị ICJ làm rõ "các hệ quả pháp lý" nếu quốc gia thành viên "gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thống khí hậu và các bộ phận khác của môi trường".

Hiện tại, các quốc gia không có nghĩa vụ pháp lý trong giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các nước bảo trợ nghị quyết hy vọng ICJ sẽ chỉ ra những nghĩa vụ pháp lý có thể tồn tại trong các văn kiện quốc tế khác như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) hay Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền.

Ý kiến của ICJ không mang tính ràng buộc nhưng có sức nặng về pháp lý và chính trị, do đó thường được tòa án các quốc gia xem xét.

Tin thế giới sáng 30/3: LHQ thông qua nghị quyết quan trọng về khí hậu | Bắt giữ 500 kg ma túy ở Philippines
Một cuộc họp của Đại Hội đồng LHQ. Ảnh: Reuters

Bắt giữ 500 kg ma túy giấu trong túi trà ở Philippines

Ngày 29/3, cảnh sát Philippines đã thu giữ hơn 500 kg ma túy tổng hợp, trị giá 74 triệu USD, được giấu trong túi trà ở thành phố Baguio. Một người Trung Quốc cũng bị bắt giữ vì tình nghi có liên quan đến vụ việc. Đây là một trong những vụ bắt giữ ma túy lớn nhất vài năm qua tại quốc gia này.

Cảnh sát cho biết một tổ chức buôn bán ma túy nhiều khả năng đứng sau số hàng cấm vừa bị thu giữ. Nhà chức trách tin rằng số ma túy được cất giữ ở Baguio bởi đây là khu vực tương đối hẻo lánh, có thể tránh khỏi các chiến dịch truy quét ma túy đang diễn ra tại các thành phố lớn.

Tin thế giới sáng 30/3: LHQ thông qua nghị quyết quan trọng về khí hậu | Bắt giữ 500 kg ma túy ở Philippines
Số ma túy được giấu trong túi trà ở Philippines. Ảnh: AP.

Anh sẽ ký gia nhập CPTPP trong tuần này

Anh dự kiến gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong tuần này, sau khi đơn gia nhập của London nhận được sự ủng hộ từ tất cả 11 thành viên của khối. Đây là nền kinh tế đầu tiên ngoài 11 nước ký kết ban đầu xin gia nhập hiệp định.

Sự tham gia của Vương quốc Anh - một trong những cường quốc kinh tế với trình độ phát triển hàng đầu thế giới  sẽ không chỉ mang lại cơ hội tuyệt vời về thương mại và đầu tư cho mỗi nước, mà còn khẳng định vị thế của CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, là hình mẫu hợp tác kinh tế khu vực của thế kỷ XXI.

Trung Quốc đại lục và Đài Loan cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP từ tháng 9/2021. Việc xem xét hai đơn gia nhập nói trên được đánh giá tiềm ẩn nhiều thách thức hơn. Để một nền kinh tế được kết nạp vào CPTPP, đơn gia nhập phải được toàn bộ 11 thành viên của khối chấp thuận.

Tin thế giới sáng 30/3: LHQ thông qua nghị quyết quan trọng về khí hậu | Bắt giữ 500 kg ma túy ở Philippines
CPTPP thành lập năm 2018 và hiện có 11 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Ảnh: Reuters

Dùng máy bay không người lái chống bệnh sốt rét ở Rwanda

Rwanda đã trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Phi tích hợp và triển khai hiệu quả máy bay không người lái (UAV) để đối phó với căn bệnh sốt rét lưu hành ở hầu hết các khu vực của đất nước.

Drone hiện được sử dụng để lập bản đồ các địa điểm sinh sản của muỗi, cho phép thực hiện các biện pháp can thiệp có mục tiêu. Sau khi lập bản đồ, UAV được sử dụng để phun thuốc diệt ấu trùng ở những nơi muỗi sinh sản, cùng với việc huy động cộng đồng bằng việc gắn loa phóng thanh lên drone để phát thông điệp được ghi âm trước về các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét.

Tin thế giới sáng 30/3: LHQ thông qua nghị quyết quan trọng về khí hậu | Bắt giữ 500 kg ma túy ở Philippines
Rwanda sử dụng hiệu quả máy bay không người lái trong cuộc chiến chống sốt rét. Ảnh: The New Times

Hoạt động diệt bọ gậy bằng UAV đã có tác động đáng kể vào năm 2020, với việc Trung tâm Y sinh Rwanda báo cáo số ca sốt rét ở Jabana, khu vực ngoại ô thủ đô Kigali, đã giảm 90,6% từ 12.041 ca xuống 1.129 ca chỉ sau 8 tháng can thiệp bằng UAV.