Cảnh sát là mục tiêu chính trong vụ đánh bom tự sát ở đền thờ Pakistan
Theo cập nhật mới nhất, số người thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát ở đền thờ Hồi giáo Pakistan ngày 30/1 tăng lên 59 người, trong đó có đến 27 cảnh sát, và 170 người bị thương. Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các vụ tấn công nhằm vào lực lượng cảnh sát ở Pakistan thời gian gần đây.
Vụ nổ xảy ra trong giờ cầu nguyện ở đền thờ Hồi giáo tại thành phố Peshawar, thủ phủ của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở tây bắc Pakistan. Tại thời điểm này có khoảng 400 người bên trong tòa nhà. Thủ tướng Pakistan Shebaz Sharif cho biết đây là vụ đánh bom tự sát, nhưng không đề cập thủ phạm.
Đền thờ trên nằm trong khu vực an ninh cao, nơi đặt trụ sở của cảnh sát và đơn vị chống khủng bố tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.
Trên mạng xã hội Twitter, Sarbakaf Mohmand, một chỉ huy của lực lượng Taliban tại Pakistan, đã nhận là thủ phạm của vụ tấn công đẫm máu. Người phát ngôn của nhóm chưa đưa ra bình luận về tuyên bố này.
Điện Kremlin cáo buộc cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson "nói dối"
Ngày 30/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói dối về việc Tổng thống Nga Putin từng đe dọa tấn công tên lửa vào Anh.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC của Anh, cựu Thủ tướng Johnson tiết lộ Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "đe dọa" ông bằng cách ám chỉ rằng "tên lửa của Nga chỉ cần một vài phút để đánh trúng lãnh thổ Anh". Theo ông Johnson, cuộc điện đàm với Tổng thống Putin diễn ra trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin xác nhận ông không biết về nội dung của cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Putin và cựu Thủ tướng Johnson. Tuy nhiên, ông Peskov quả quyết rằng "không có lời đe dọa nào" được đưa ra trong cuộc trò chuyện này. Thay vào đó, ông Putin chỉ đề cập với ông Johnson về nguy cơ mất an ninh của Nga khi Ukraine gia nhập NATO.
WHO tiếp tục duy trì cảnh báo ở mức cao nhất đối với Covid-19
Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo đại dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng, mức cảnh báo cao nhất của WHO.
WHO đánh giá Covid-19 có thể đang trong thời điểm chuyển tiếp, cần được theo dõi cẩn thận để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.
Đến nay đã 3 năm kể từ lần đầu tiên vào năm 2020 WHO đưa ra cảnh báo đại dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Đại dịch đã khiến hơn 6,8 triệu người trên toàn cầu tử vong và tác động vô cùng to lớn đến tình hình kinh tế xã hội ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, sự ra đời của vaccine và các phương pháp điều trị đã thay đổi đáng kể tình hình đại dịch.
Pháp điều tra vụ vi nhựa độc hại xuất hiện dọc bờ biển
Các công tố viên Pháp cho biết, sẽ điều tra việc một lượng lớn hạt vi nhựa độc hại xuất hiện dọc bờ biển Đại Tây Dương gây nguy hiểm cho sinh vật biển và chuỗi thức ăn của con người.
Theo Trưởng công tố Camille Miansoni tại thành phố miền Tây Brest, cuộc điều tra hình sự được tiến hành sau khi Paris và chính quyền địa phương lần lượt đệ đơn khiếu nại những đối tượng chưa rõ danh tính gây ra tình trạng trên. Bộ phận tội phạm về môi trường của Văn phòng Công tố Brest sẽ dẫn đầu cuộc điều tra.
Giới chuyên gia cho rằng, các hạt vi nhựa được tìm thấy trên bờ biển Brittany khả năng là do một container của ngành công nghiệp nhựa rơi xuống biển và bị bung ra do các cơn bão gần đây. Cuối tuần qua, khoảng 100 người đã tham gia chiến dịch làm sạch để thu gom các hạt nhựa trên bờ biển, thu hút sự chú ý của dư luận.