Tin thế giới sáng 5/12: Hàng ngàn người sơ tán vì núi lửa Indonesia; Iran giải thể cảnh sát đạo đức

(VOH) - Một số thông tin khác: Nga cân nhắc khả năng cấm xuất khẩu dầu theo giá trần của phương Tây; phi hành gia Trung Quốc trở về Trái Đất sau sứ mệnh kéo dài 6 tháng ngoài không gian.

Gần 2.000 người sơ tán vì núi lửa phun trào ở Indonesia

Ngày 4/12, núi lửa Semeru trên đảo Java phun trào gây ra những cột tro bụi cao đến 15 km, Indonesia đã đưa ra mức cảnh báo cao nhất và buộc phải sơ tán gần 2.000 người dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến 11 cơ sở tạm trú.

Hiện chưa có báo cáo thương vong liên quan đến vụ phun trào núi lửa Semeru. Bộ Vận tải Indonesia cho biết, hoạt động hàng không trong khu vực chưa bị ảnh hưởng nhưng hai sân bay tại địa phương đã nhận được thông báo yêu cầu cảnh giác trước mọi bất thường từ sự việc.

Núi lửa Semeru cao 3.676 m nằm cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 850km về phía Đông Nam. Đây là ngọn núi cao nhất ở đảo Java. Đợt phun trào năm ngoái của núi lửa này đã khiến hơn 50 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải sơ tán khẩn cấp.

Tin thế giới sáng 5/12: Hàng ngàn người sơ tán vì núi lửa phun trào ở Indonesia; Iran giải thể cảnh sát đạo đức
Tro bụi từ núi lửa lan rộng đến nhiều khu vực ở phía đông đảo Java. Ảnh: Reuters

Iran: Người biểu tình kêu gọi đình công, lực lượng cảnh sát đạo đức bị giải thể

Ngày 4/12, các cuộc biểu tình ở Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong diễn biến mới nhất, người biểu tình đã kêu gọi đình công kéo dài 3 ngày trong tuần này.

Động thái này tiếp tục gia tăng sức ép lên chính quyền Iran sau khi có thông báo từ Tổng công tố viên Mohammad Jafar Montazeri cho biết lực lượng cảnh sát đạo đức ở nước này đã bị giải thể.

Hiện chưa có xác nhận chính thức về việc giải thể lực lượng cảnh sát đạo đức từ Bộ Nội vụ Iran - cơ quan quản lý chính của lực lượng này. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Iran cho rằng Tổng công tố viên Mohammad Jafar Montazeri vốn không có thẩm quyền giám sát lực lượng cảnh sát đạo đức.

Cảnh sát đạo đức, được gọi là Gasht-e Ershad, là một lực lượng của Iran được thành lập nhằm giám sát công chúng tuân thủ các giá trị Hồi giáo. Các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát đạo đức ở Iran bùng lên từ giữa tháng 9 sau cái chết của Mahsa Amini, cô gái người Kurd 22 tuổi. Ba ngày trước đó, Amini bị cảnh sát đạo đức bắt với cáo buộc mang khăn trùm hijab không phù hợp với luật Hồi giáo.

Phong trào biểu tình khởi đầu với thông điệp đòi quyền tự do và bình đẳng cho phụ nữ, nhưng dần mở rộng thành yêu cầu cải cách xã hội và chính trị, thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia. 

Tin thế giới sáng 5/12: Hàng ngàn người sơ tán vì núi lửa phun trào ở Indonesia; Iran giải thể cảnh sát đạo đức
Nhiều cửa hàng và khu chợ đóng cửa vì biểu tình kéo dài ở Iran. Ảnh: Reuters

Nga cân nhắc khả năng cấm xuất khẩu dầu theo giá trần của phương Tây

Ngày 4/12, phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này đang nghiên cứu khả năng cấm cung cấp dầu theo giá trần do phương Tây áp đặt.

"Chúng tôi đang nghiên cứu các cơ chế để cấm việc sử dụng công cụ giới hạn giá, bất kể mức nào được đặt ra, bởi vì sự can thiệp như vậy có thể khiến thị trường ngày càng bất ổn”, ông Novak nói.

Ông Novak nhấn mạnh Nga sẽ không tuân theo một mức giá trần nào cả, ngay cả khi Moscow phải cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

Trước đó vào ngày 3/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết tất cả chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản mức giá trần 60 USD/thùng do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga.

Mục tiêu của biện pháp áp giá trần là giữ nguồn dầu Nga tiếp tục lưu thông trên thị trường, trong khi hạn chế số tiền mà Moscow có thể kiếm được từ những thùng dầu đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước khẳng định kế hoạch áp trần giá dầu Nga của phương Tây sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng" với thị trường năng lượng thế giới.

Tin thế giới sáng 5/12: Hàng ngàn người sơ tán vì núi lửa phun trào ở Indonesia; Iran giải thể cảnh sát đạo đức
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. 

Phi hành gia Trung Quốc trở về Trái Đất sau sứ mệnh kéo dài 6 tháng ngoài không gian

Theo CCTV, ngày 4/12, tàu vũ trụ Thần Châu-14 của Trung Quốc cùng ba phi hành gia đã trở về Trái Đất an toàn, kết thúc thành công sứ mệnh không gian kéo dài 6 tháng.

Tàu hạ cánh xuống một địa điểm ở Khu tự trị Nội Mông năm ở phía Bắc Trung Quốc vào lúc 8 giờ 9 phút (giờ địa phương). Trong đoạn ghi âm được phát sóng trên CCTV, cả ba phi hành gia gồm chỉ huy Chen Dong và hai thành viên Liu Yang và Cai Xuzhe đều cho biết cảm thấy rất ổn sau khi hạ cánh, tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ sau 6 tháng thực hiện sứ mệnh ngoài không gian, với nhiệm vụ tham gia xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. 

Tin thế giới sáng 5/12: Hàng ngàn người sơ tán vì núi lửa phun trào ở Indonesia; Iran giải thể cảnh sát đạo đức
Phi hành gia Liu Yang được hỗ trợ di chuyển sau khi tàu Thần Châu-14 hạ cánh an toàn xuống Trái Đất sau 6 tháng thực hiện sứ mệnh ngoài không gian. Ảnh: Shanghai Daily

Tối 29/11 vừa qua, Trung Quốc cũng đã phóng tàu Thần Châu-15 đưa 3 phi hành gia nước này lên quỹ đạo để thực hiện sứ mệnh cuối trong kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung. Đây là sứ mệnh phóng thứ 6 trong chương trình vũ trụ có người lái của Trung Quốc trong năm nay và là chuyến bay cuối cùng trong giai đoạn xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc ở quỹ đạo của Trái Đất.