Tin thế giới sáng 6/3: Cháy lớn tại trại tị nạn Bangladesh | Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Trung Đông

(VOH) - Một số thông tin khác: Thủ tướng Hy Lạp xin người dân tha thứ sau thảm kịch đường sắt; thỏa thuận quốc tế đầu tiên về bảo vệ đại dương sau một thập kỷ đàm phán.

Cháy lớn tại trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh

Ngày 5/3, một  vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu trại tị nạn của người dân tộc thiểu số Rohingya ở Cox's Bazar, phía đông nam Bangladesh. Đây được xem là trại tị nạn lớn nhất thế giới với gần một triệu người Hồi giáo Rohingya đang sinh sống.

Ông Mijanur Rahman - một quan chức của Ủy ban tị nạn Bangladesh cho biết, ngọn lửa đã thiêu rụi 2.000 căn lều được dựng tạm bợ bằng tre và vải bạt, khiến khoảng 12.000 người tị nạn Rohingya lâm vào cảnh không còn nơi ở.

Đây không phải lần đầu tiên hỏa hoạn tàn phá các khu trại tị nạn của tộc người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Theo báo cáo công bố tháng trước của Bộ Quốc phòng Bangladesh, trong 2 năm 2021 và 2022 đã có đến 222 vụ hỏa hoạn xảy ra tại các khu trại tị nạn này.

Tin thế giới sáng 6/3: Cháy trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh | Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du Trung Đông
Vụ hỏa hoạn đã bị dập tắt sau 3 giờ. Khoảng 2.000 căn lều đã bị thiêu rụi và 12.000 người tị nạn Rohingya hiện lâm vào cảnh không còn nơi ở. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Hy Lạp xin người dân tha thứ sau thảm kịch đường sắt 

Ngày 5/3, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã lên tiếng kêu gọi sự tha thứ từ gia đình của 57 người thiệt mạng trong thảm họa đường sắt tàn khốc hôm 28/2. "Trên cương vị Thủ tướng, tôi xin được mọi người, đặc biệt là người thân của các nạn nhân, tha thứ”AFP dẫn thông điệp của ông Mitsotakis.

Trước đó ông Mitsotakis nhận định vụ đâm tàu khiến hàng chục người chết và bị thương gần thành phố Larissa là do “sai sót kinh hoàng của con người”, đồng thời tuyên bố sẽ tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn.

Trưởng ga tàu tại Larissa đã nhận trách nhiệm sau vụ tai nạn. Ông dự kiến hầu tòa vào ngày 4/3, nhưng đã hoãn sang ngày 5/3. Ông có thể đối mặt với cáo buộc bất cẩn gây chết người, và có thể ngồi tù chung thân nếu tội danh thành lập. 

Tin thế giới sáng 6/3: Cháy trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh | Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Trung Đông
Thủ tướng Hy Lạp đến hiện trường vụ tai nạn đường sắt ngày 28/2/2023. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ bắt đầu chuyến công du Trung Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 5/3 đã đặt chân tới Jordan, bắt đầu chuyến công du Trung Đông bao gồm cả chặng dừng chân tại Israel và Ai Cập.

Đây được xem là động thái ủng hộ các đồng minh chủ chốt của Washington trong khu vực trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Iran.

Trong thông điệp được đăng tải trên trang Twitter trước chuyến công du khu vực, Bộ trưởng Austin thông báo ông sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chủ chốt và “tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với sự ổn định khu vực, cũng như thúc đẩy những lợi ích chung của các đồng minh và đối tác."

Tin thế giới sáng 6/3: Cháy trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh | Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Trung Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: AFP/Getty

Thỏa thuận quốc tế đầu tiên về bảo vệ đại dương sau một thập kỷ đàm phán

Sau 10 năm đàm phán, cuối cùng các nước thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thông qua văn bản về hiệp ước quốc tế đầu tiên, mang tính lịch sử về vấn đề bảo vệ biển cả. Hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của LHQ. 

Nội dung thỏa thuận nhất trí xác lập sự bảo vệ cho vùng biển được gọi là "high seas" - vùng biển quốc tế không thuộc sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào, là nơi tất cả các quốc gia có quyền tiến hành các hoạt động như đánh bắt thủy sản, hàng hải và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên hiện tại chỉ có khoảng 1,2% diện tích vùng biển này được bảo vệ, khiến những vùng biển này gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, tình trạng đánh bắt quá mức và các hoạt động giao thông hàng hải. 

Tin thế giới sáng 6/3: Cháy trại tị nạn lớn nhất thế giới ở Bangladesh | Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Trung Đông
Ảnh minh họa

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh việc thông qua văn bản của hiệp ước, coi đây là một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương".

Bình luận