Triều Tiên tiếp tục bắn đạn pháo ra vùng biển phía Đông
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã bắn khoảng 90 quả đạn pháo vào ngày 6/12 (giờ địa phương) và điểm bắn được xác định từ huyện Kosong, tỉnh Kangwon hướng về vùng biển phía Đông. Đến tối cùng ngày, có thêm khoảng 10 đợt bắn từ huyện Kumgang cũng thuộc tỉnh Kangwon.
Phía Triều Tiên cũng lên tiếng xác nhận đã bắn tổng cộng 82 quả đạn pháo và cho rằng đây là động thái phản đối cuộc tập trận quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ gần biên giới.
Một ngày trước đó, Triều Tiên cũng đã bắn 130 quả đạn pháo ra vùng biển phía Đông và phía Tây. JCS đã nhiều lần cảnh báo Triều Tiên, coi đây là hành vi vi phạm hiệp định quân sự song phương và kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt ngay hành động khiêu khích.
Nga triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đến quần đảo tranh chấp với Nhật Bản
Ngày 6/12, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận nước này đã triển khai các tổ hợp tên lửa Bastion tới phía Bắc quần đảo Kuril, nơi đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản. Ngoài ra, một trại quân sự cũng đã được thiết lập trên đảo Paramushir với các điều kiện về ăn ở và giải trí cho phép các lực lượng có thể thực hiện nhiệm vụ quanh năm.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga trong nhiều thập niên qua đã bị ảnh hưởng bởi những bất đồng xung quanh vấn đề chủ quyền của bốn hòn đảo thuộc quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc.
Quần đảo Kuril hiện là nơi đóng quân của Sư đoàn bộ binh hạng nặng số 18, một đơn vị phòng thủ tinh nhuệ của Moscow. Trong khi đó, trong Sách xanh Ngoại giao 2022 công bố hồi tháng 4, Nhật Bản đã gọi 4 hòn đảo đang tranh chấp với Nga ở phía Bắc nước này là "nơi bị Nga chiếm đóng trái phép".
Hungary tiếp tục phản đối gói hỗ trợ tài chính của EU cho Ukraine
Ngày 6/12, tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ, Hungary đã một lần nữa khẳng định ý kiến phản đối gói hỗ trợ tài chính trị giá 18 tỷ euro (18,7 tỷ USD) của EU dành cho Ukraine.
Hungary khẳng định nước này không chấp nhận việc các thành viên EU cùng đi vay để đóng góp cho gói viện trợ nói trên. Thay vào đó, Hungary có kế hoạch hỗ trợ song phương cho Ukraine.
Quan chức ngân sách hàng đầu của EU cho rằng Hungary ngăn cản kế hoạch viện trợ của khối cho Ukraine nhằm tạo sức ép buộc liên minh này giải ngân hàng tỷ euro cho Budapest, trong đó có 5,8 tỷ euro từ quỹ phục hồi hậu Covid-19.
Ngoài ra, Hungary cũng phủ quyết nỗ lực về áp đặt mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn EU.
Cộng hòa Czech, chủ tịch luân phiên của EU, cho biết sẽ cố tìm cách để 26 quốc gia thành viên còn lại vượt qua sự phản đối của Hungary và cung cấp viện trợ tài chính cho Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt thương vụ bán vũ khí mới nhất cho Ba Lan
Ngày 6/12, Lầu Năm Góc xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận đề xuất bán 116 xe tăng M1A1 Abrams cùng nhiều khí tài quân sự khác do tập đoàn General Dynamics sản xuất cho Ba Lan, với tổng giá trị khoảng 3,75 tỷ USD.
Đây sẽ là thương vụ quân sự mới nhất giữa Mỹ và Ba Lan. Mới vài tháng trước, Ba Lan cũng vừa được chấp thuận mua 250 xe tăng M1A2 cũng do tập đoàn General Dynamics sản xuất. Với hơn 100 xe tăng mới sắp được bổ sung vào biên chế, Ba Lan cho thấy mong muốn hiện đại hóa quân đội và thích nghi với tình hình địa chính trị mới sau hàng loạt sự kiện từ chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra tại Ukraine.