Chủ tịch Trung Quốc thăm chính thức Ả Rập Saudi, ký nhiều thỏa thuận chiến lược
Ngày 8/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được tiếp đón long trọng khi có chuyến thăm chính thức đến Ả Rập Saudi. Ông Tập gọi đây là “chuyến đi tiên phong” để "mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới Ả Rập, gồm Ả Rập Saudi và các quốc gia Ả Rập khác ở vùng Vịnh".
Chủ tịch Tập Cận Bình và Quốc vương Salman đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện trong quan hệ giữa hai nước. Đồng thời, một bản ghi nhớ giữa Ả Rập Saudi và tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei cũng được ký kết, với nội dung phát triển điện toán đám mây và xây dựng nhiều khu phức hợp công nghệ cao tại quốc gia lớn nhất trong khối Ả Rập.
Trước đó, Huawei cũng tham gia phát triển mạng 5G ở hầu hết các nước vùng Vịnh bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thái tử Mohammed bin Salman khẳng định hai nước tăng cường quan hệ song phương trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Bắc Kinh xác định Riyadh là đối tác tin cậy và thành viên quan trọng trong thế giới đa cực.
Về phía Mỹ, nước này nhận định chuyến thăm của ông Tập là một ví dụ về nỗ lực của Trung Quốc trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới, đồng thời cho biết sự kiện này sẽ không làm thay đổi các chính sách của Mỹ đối với Trung Đông.
Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từng nhấn mạnh rằng trong tình hình thế giới hiện nay, họ sẽ không nghiêng về bên nào mà chỉ tập trung đa dạng hóa các mối quan hệ và đối tác để phục vụ cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.
Hạ viện Mỹ phê duyệt dự luật chi tiêu ngân sách quốc phòng cao kỷ lục
Ngày 8/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) với các nội dung dành cho chi tiêu ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023, với mức chi kỷ lục lên tới 858 tỷ USD - cao hơn 45 tỷ USD so với đề xuất trước đó của Tổng thống Joe Biden.
Dự chi quốc phòng trị giá 858 tỷ USD trong năm 2023 bao gồm các khoản như tăng lương 4,6% cho quân đội; trang bị thêm các loại vũ khí, tàu chiến và máy bay; và các khoản hỗ trợ cho Đài Loan trước sức ép hiện hữu từ Bắc Kinh và Ukraine khi vẫn đang trong giai đoạn xung đột với Nga.
NDAA là một trong những đạo luật quan trọng mà Quốc hội Mỹ phải thông qua hằng năm, thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự thảo NDAA sẽ tiếp tục được lấy ý kiến bỏ phiếu tại Thượng viện trước khi chuyển lên Nhà Trắng để ký ban hành luật.
Mặc dù vậy, dự luật này không phải quyết định cuối cùng đối với vấn đề chi tiêu do các dự luật ủy quyền như NDAA chỉ tạo ra các chương trình và là cơ hội để triển khai các sáng kiến. Quốc hội còn phải thông qua dự luật phân bổ ngân sách - cơ sở pháp lý cần thiết để chính phủ thiết lập chi tiêu ngân sách liên bang.
Anh, Mỹ thiết lập quan hệ đối tác năng lượng
Anh và Mỹ công bố hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác năng lượng nhằm bảo đảm mức xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cao hơn sang Anh và hợp tác về các biện pháp nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhấn mạnh quan hệ Đối tác an ninh năng lượng Anh - Mỹ cũng sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch và trao đổi ý tưởng về hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như giảm nhu cầu sử dụng khí đốt.
Số liệu của công ty dữ liệu Refinitiv Eikon cho thấy, Anh đã nhập khẩu khoảng 11 tỷ m3 khí đốt từ Mỹ trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng mạnh so với 4 tỷ m3 trong năm 2021. Anh và các nước châu Âu khác đã chuyển sang tìm nguồn cung năng lượng từ Mỹ và theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, nước này đã trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022.
Bulgaria, Romaria bị phản đối gia nhập khu vực Schengen
Ngày 8/12, Áo cho biết sẽ phủ quyết việc hai thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Romania và Bulgaria gia nhập khu vực miễn thị thực Schengen. Động thái này giáng đòn mạnh vào nỗ lực kéo dài cả thập kỷ qua của hai nước trên.
Từng chứng kiến tình trạng người xin tị nạn tăng mạnh, Áo lo ngại rằng việc chấp nhận Bulgaria và Romania sẽ làm tăng nhập cư thông thường. Bộ trưởng Karner cho biết nước ông đã ghi nhận “hơn 100.000 trường hợp nhập cư trái phép trong năm nay.”
Trái lại, một quốc gia khác là Croatia cũng đề nghị gia nhập Schengen và nhận được sự ủng hộ từ các Bộ trưởng EU. Việc kết nạp thêm Croatia vào Schengen sẽ mở rộng khu vực này lên 27 quốc gia (trong đó có 23 quốc gia trong số 27 nước thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy, Liechtenstein và Iceland).