Tại cuộc họp báo ở Đồi Capitol ngày 17/5, thượng nghị sĩ Cộng hòa Shelley Moore Capito chỉ trích, Tổng thống Biden vì tự nhận là một nhà đàm phán giỏi nhưng lại không thương lượng với đảng Cộng hòa về vấn đề trần nợ công từ tháng 2, mà chờ đến tận tuần trước mới bắt đầu quá trình đàm phán, khi nước Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ.
"Ngài Tổng thống, hãy hủy chuyến công du đến Nhật Bản và ở lại để đàm phán", nghị sĩ Cộng hòa Dusty Johnson nói. "Thời gian còn lại rất ít, hãy hoàn thành việc này".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott cho rằng ông Biden "lẽ ra không nên rời đi, mà cần lo chuyện trần nợ tại Mỹ".
Nhà Trắng bác bỏ các chỉ trích trên và cho biết, một trong những trách nhiệm của Tổng thống là duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu và ông có thể thực hiện nhiệm vụ của mình ở bất cứ đâu.
Xem thêm: Hội nghị thượng đỉnh Quad ở Úc bị hủy sau khi ông Joe Biden rút ngắn chuyến công du châu Á
Theo kế hoạch ban đầu, Tổng thống Biden dự kiến thăm Papua New Guinea và Australia sau khi rời Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Biden đã quyết định rút ngắn chuyến công du, không tới thăm hai nước này để sớm về Mỹ giải quyết vấn đề trần nợ.
Ông nói sẽ "thường xuyên liên lạc" với đội ngũ ở Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong thời gian dự hội nghị G7.
Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập. Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động và cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ từ ngày 1/6. Tổng thống Biden và các lãnh đạo quốc hội Mỹ đã tổ chức hai vòng đàm phán trực tiếp vào ngày 9 và 16/5 tại Nhà Trắng nhằm đạt thỏa thuận nâng trần nợ công, nhưng không đạt tiến triển nào. |