Hai bên nhất trí rằng sẽ có lợi cho tình hình nếu các nước đồng minh với nhau tham vấn công khai về các vấn đề lợi ích chiến lược.
Ngày 15/9 vừa qua, Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thành lập một liên minh an ninh mới và đạt được "Thỏa thuận Mỹ - Anh - Australia" (AUKUS) mang tính lịch sử, theo đó AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
Trước đó, Pháp đã ký với Australia một hợp đồng trị giá gần 100 tỷ USD về việc đóng tàu ngầm chạy bằng dầu diesel cho Australia.
Tuy nhiên, sau khi đạt được thỏa thuận AUKUS vào tuần trước và Mỹ, Anh tuyên bố sẽ giúp Australia đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Australia quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp. Điều này khiến Pháp vô cùng tức giận và Tổng thống Macron ngay lập tức tuyên bố triệu hồi đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia.
Cuộc điện đàm giữa ông Biden và Macron diễn ra sau khi thỏa thuận AUKUS được công bố vào tuần trước.
Trong một tuyên bố vào ngày 22/9, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng nếu các nước đồng minh với nhau tiến hành tham vấn công khai về lợi ích chiến lược của Pháp và các đối tác châu Âu của chúng ta, điều này sẽ có lợi cho tình hình.
Ông Biden và Macron đã quyết định mở ra tiến trình tham vấn chuyên sâu nhằm đảm bảo sự tin cậy và đề xuất các biện pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu chung. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10 để đạt được sự hiểu biết lẫn nhau.
Trong cuộc điện đàm, ông Macron cho biết đại sứ Pháp sẽ quay trở lại Washington vào tuần tới và sẽ bắt đầu làm việc với các quan chức cấp cao của Mỹ.
Về phần mình, ông Biden tái khẳng định "tầm quan trọng chiến lược" về sự hiện diện của Pháp và châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây cũng là vấn đề mà Mỹ, Anh và Australia đang nỗ lực để giải quyết.
Tuyên bố của Nhà Trắng nói rằng Mỹ cũng nhận thức được về tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn. Nó đã có những đóng góp tích cực cho an ninh tại khu vực xuyên Đại Tây Dương và toàn thế giới, và là sự bổ sung cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO).
Tuyên bố cũng nói thêm rằng trong khuôn khổ cùng với NATO đối phó với chủ nghĩa khủng bố, Mỹ cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố của các nước châu Âu tại khu vực Sahel.