Thời gian gần đây, các nước châu Âu có xu hướng hành động riêng lẻ về những vấn đề năng lượng. Đơn cử như việc Đức tung kế hoạch quốc gia trị giá 200 tỉ euro, khoảng 194 tỉ USD, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp, có thể gây ra những khó khăn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng: "Chúng ta không thể bám vào các chính sách quốc gia, bởi vì điều này tạo ra sự méo mó trong châu Âu. Cũng như cuộc khủng hoảng COVID-19, đây là khoảnh khắc của sự thật đối với châu Âu… Chúng ta phải hành động thống nhất và đoàn kết".
Nga cắt nguồn cung năng lượng cho châu Âu nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng cao và dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng ở châu Âu. Trong đó, Đức phải gánh chịu tác động đặc biệt nặng nề do nước này phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Ngày 16/10, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cảnh báo nhiều bệnh viện ở nước này có thể phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao và lạm phát.
Cũng trong ngày 16/10, hàng ngàn người dân Pháp cũng đã đổ xuống đường phố Paris để phản đối việc giá cả leo thang.
Hãng tin Reuters cho biết, các lãnh đạo châu Âu cũng sẽ thảo luận giá trần khí đốt sau nhiều tuần chia rẽ. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thảo luận về các phương án áp giá trần khí đốt gồm: Giới hạn giá đối với tất cả khí đốt, áp giá trần đối với khí đốt được sử dụng cho sản xuất điện, áp giá trần đối với khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, Đức lo ngại việc áp giá trần sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt và khó kiếm nguồn cung.