Ông Macron nói với Putin rằng mục tiêu của ông là tránh để xảy ra chiến tranh và xây dựng lòng tin.
Ông Macron, người dự kiến sẽ tái tranh cử tổng thống vào tháng 4, tự xem mình là một nhà hòa giải tiềm năng trong vấn đề Ukraine. Ông nói với Putin rằng ông hy vọng cuộc hội đàm giữa đôi bên có thể đưa ra những đề xuất "hữu ích" cho vấn đề Ukraine nhằm tránh xảy ra chiến tranh và xây dựng lòng tin và sự ổn định.
Trong phát biểu của mình, Tổng thống Putin nói Nga và Pháp "có những mối quan tâm chung về những gì đang xảy ra trong lĩnh vực an ninh ở châu Âu".
Ông Putin ca ngợi những nỗ lực của Pháp trong việc giải quyết "cuộc khủng hoảng an ninh" ở châu Âu, và nói rằng ông thấy được giới lãnh đạo Pháp hiện nay và bản thân Tổng thống Macron đã nỗ lực như thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
"Đối thoại là cần thiết, vì theo tôi, đó là điều duy nhất giúp tạo dựng bối cảnh an ninh và ổn định tại lục địa châu Âu", ông Macron nói và cho biết ông đã sẵn sàng để "bắt đầu đưa ra những đề xuất hữu hiệu".
Ông Macron sẽ đến thăm Ukraine vào ngày 8/2. Trước khi thực hiện chuyến thăm tới Nga, ông Macron nói với tờ Le Journal du Dimanche rằng mục tiêu địa chính trị của Nga hiện nay rõ ràng không phải là Ukraine, mà là làm rõ các quy tắc để cùng tồn tại với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
"Tôi khá lạc quan, nhưng tôi không tin vào những phép màu tự phát", ông Macron nói với các phóng viên sau khi tới Moscow.
Ông cũng khẳng định đối thoại là hoàn toàn cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo sự ổn định và an ninh tại châu Âu.
Trước khi diễn ra cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Nga-Pháp, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Tình hình quá phức tạp để mong đợi những đột phá mang tính quyết định chỉ trong một cuộc họp".
Tại Washington, khi tiếp đón Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang ở thăm Mỹ vào ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ đang có những bước đi khá nhịp nhàng trong việc giải quyết vấn đề Nga-Ukraine.
Nga đã triển khai hơn 100.000 quân tại khu vực biên giới với Ukraine. Tổng thống Putin khẳng định Nga không có kế hoạch tấn công Ukraine nhưng nói rằng Nga sẵn sàng thực hiện "các biện pháp kỹ thuật quân sự" nếu các yêu cầu an ninh của nước này không được NATO và Mỹ đáp ứng.
Washington đã từ chối các yêu cầu an ninh của Nga, nhưng cho biết họ sẵn sàng thảo luận về các biện pháp nhằm kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin.