Hội nghị lần này tổ chức tại Malaysia. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tham dự và có bài phát biểu tại hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo của 20 nền kinh tế khác của APEC, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump xuất hiện tại trong một hội nghị quốc tế kể từ sau cuộc bầu cử tại nước này vào ngày 3/11.
Các nhà lãnh đạo của APEC đã thảo luận về tình hình dịch bệnh Covid-19 và vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu. Đồng thời ra tuyên bố chung nêu rõ, các thành viên APEC nhận thức được tầm quan trọng của việc "xây dựng một môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và có thể dự đoán được". Ngoài ra, các thành viên khối này cũng cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng.
APEC quy tụ 21 nền kinh tế nằm trên vành đai Thái Bình Dương, chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu.
Tin cho hay, do đang bận đối phó với gian lận bầu cử nên Tổng thống Trump chỉ cử Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng APEC vào hôm thứ Hai (16/11).
Theo hãng tin Reuters, bài phát biểu của Tổng thống Trump chủ yếu tập trung vào các vấn đề quốc nội, đồng thời đề cập đến những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua.
Sau khi nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Trump đã khơi mào một cuộc chiến thương mại chưa từng có với Trung Quốc.
Tại cuộc họp thượng đỉnh lần trước vào năm 2018 tại Papua New Guinea, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã không thể đưa ra được tuyên bố chung do có những bất đồng nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề thương mại và đầu tư.
Ngoài thương mại, Tổng thống Trump cũng đã áp đặt các biện pháp hạn chế mạnh mẽ chống lại Trung Quốc trên nhiều phương diện như công nghệ, truyền thông, quốc phòng và ngoại giao.
Sau khi xảy ra đại dịch Covid-19, thái độ của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc nói chung và Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng đã thay đổi đáng kể. Ông từng nói với báo chí rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với ông rằng dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng thực tế thì không phải vậy và ông rất tức giận vì điều này.
Tại cuộc họp của APEC hôm thứ Năm (19/11), Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói nhiều về "sự hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu", phản đối cái gọi là "chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt" và cam kết sẽ "mở cửa hơn với thế giới bên ngoài".
Riley Walters, nhà phân tích chính sách của Quỹ Di sản (The Heritage Foundation) - Tổ chức nghiên cứu xếp hạng về chỉ số tự do kinh tế thê giới, nói rằng Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo" và những gì đang xảy ra với Australia chính là một ví dụ điển hình.
Điều mà Walters muốn nói ở đây là Trung Quốc một mặt tuyên bố duy trì trật tự thế giới, mặt khác lại đe dọa Australia bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế.