Theo cảnh báo hiếm từ chính phủ Nhật Bản vào khoảng 7 giờ 29 phút ngày 4/10 (giờ địa phương), phía Triều Tiên đã phóng một vật thể nghi là tên lửa về phía đảo Hokkaido, đảo xa nhất về phía Bắc của Nhật Bản, và tỉnh Aomori ở vùng Đông Bắc. Chính phủ yêu cầu người dân ở yên trong nhà hoặc các tầng hầm trú ẩn bên dưới mặt đất.
Cũng theo giới chức Nhật Bản, tên lửa sau khi phóng đã rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương, cách lãnh thổ Nhật khoảng 3.000 km và hiện chưa có báo cáo về trường hợp nào bị thương có liên quan đến sự việc.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên án mạnh mẽ hành động của Triều Tiên, cho rằng đây là “lối hành xử bạo lực”. Đồng thời chính phủ Nhật Bản cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia.
Các ý kiến đánh giá cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là động thái leo thang căng thẳng có chủ đích nhằm vào Nhật Bản và Mỹ.
Theo thông lệ quốc tế, việc phóng tên lửa bay qua hoặc hướng về bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào mà không có sự cảnh báo hay tham vấn trước là điều không được chấp nhận. Hầu hết các nước trên thế giới đều tránh hành động này vì dễ gây hiểu lầm thành một cuộc tấn công. Mặc dù vụ phóng tên lửa lần này có quy mô không quá lớn như một vụ thử vũ khí liên quan đến hạt nhân, song vẫn là một hành động có tính chất vô cùng khiêu khích.
Ông Daniel Kritenbrink - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, người phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ nhận định quyết định phóng tên lửa của Triều Tiên là điều “đáng tiếc”.
Trước đó, ngày 25/9, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM); sau đó là 2 tên lửa vào ngày 28/9; 2 tên lửa khác vào ngày 29/9 và 2 tên lửa hôm 1/10.
Động thái quân sự mới nhất của Triều Tiên diễn ra sau khi Hàn Quốc và Mỹ kết thúc cuộc tập trận hải quân với sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan và cuộc tập trận chống tàu ngầm ba bên với Nhật Bản vào tuần trước.
Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang tăng cường phối hợp an ninh song phương và ba bên trong bối cảnh lo ngại Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử hạt nhân hoặc có các hành động quân sự khác.
Vào đầu tháng này, Triều Tiên đã thông qua đạo luật tự tuyên bố trở thành quốc gia có vũ khí hạt nhân, và lãnh đạo nước này Kim Jong-un cũng loại trừ khả năng diễn ra các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai. Từ năm 2006 đến năm 2017, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân, bất chấp sự phản đối và hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế.